Tại họp báo Chính phủ chiều 3/1, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP HCM) không biết chữ, không đọc được và mới học lớp 3 cách đây 50 năm.
Trả lời với VnExpress sáng 4/1, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết Trung tâm 50-17D do tư nhân đầu tư. Ông Hồ Hữu Tài là giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của Trung tâm hay ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.
Trung tâm 50-17D hiện có một dây chuyền kiểm định loại II với 6 đăng kiểm viên. Trong đó, ông Trần Thanh Vinh, Phó giám đốc Trung tâm, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới.
Nghị định 139/2018 quy định lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị và ký giấy chứng nhận kiểm định. Người này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải, trung tâm đăng kiểm hoạt động như một doanh nghiệp, sẽ có nhiều lãnh đạo cùng điều hành. Quy định trên được áp dụng với lãnh đạo chịu trách nhiệm chuyên môn, tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe.
"Khi soạn thảo quy định về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm, Cục đã lường trước các vấn đề này, song việc lựa chọn lãnh đạo trung tâm là do doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Do đó, bên cạnh các đơn vị làm tốt vẫn còn có đơn vị lựa chọn lãnh đạo chưa có năng lực", đại diện Phòng Kiểm định nói.
Thực tế, có lãnh đạo trung tâm kiểm định không phải là đăng kiểm viên, chỉ hiện diện với vai trò quản lý tài chính, tài sản của chủ đầu tư. Ở những trung tâm này, Phó giám đốc phụ trách là đăng kiểm viên và chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận kiểm định phương tiện và tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định.
Số trung tâm đăng kiểm tăng lên sau khi Nghị định 139/2018 bỏ quy định đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới đăng kiểm. Hiện nay, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở giao thông Vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Mấy tuần qua, Công an TP HCM cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã làm rõ các hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Riêng Công an TP HCM đã ra lệnh khám xét 13 trung tâm, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can với các tội danh Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thủ đoạn mà các trung tâm đã sử dụng là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...
Ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách làm luật như vậy. Các trung tâm kiểm định có vi phạm cũng đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thành lập, lập danh sách kiểm định viên giả để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Để rà soát tổng thể hoạt động đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập đoàn công tác kiểm tra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc, từ 1/1/2023.