Tại hội thảo sáng 10/2 ở Hà Nội, đại tá Bình nêu hàng loạt lý do cần tách luật. Ông nhấn mạnh hoạt động giao thông đường bộ tác động trực tiếp đến quyền con người, an toàn tính mạng, sức khỏe, tải sản khi đi lại. Những quyền này phải được quy định trong luật, nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 "thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn".
Luật không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự an toàn giao thông liên quan như giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc, các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến đường; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Tình trạng vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông diễn ra phổ biến. Từ 2009 đến 2021, toàn quốc xảy ra hơn 361.000 vụ tại nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người, bị thương hơn 356.000 người (chiếm hơn 95% số vụ, số người chết trong tổng số vụ tai nạn giao thông); gần 600 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 7 cán bộ hy sinh, 186 cán bộ bị thương... "Như vậy, quyền con người, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm", đại tá Bình nói.
Luật hiện hành điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực gồm an toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải đường bộ. Trong khi các nước xây dựng luật riêng về đường bộ cao tốc, vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logictic.
Lý giải vì sao không bổ sung, hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ, đại tá Bình cho rằng với khối lượng lớn nội dung nói trên, nếu bổ sung vào Luật hiện hành thì sẽ rất đồ sộ, khó quy định đầy đủ và khó liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, cần xây dựng luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực.
Trong đó, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng để tạo lập thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển. Còn Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng đến phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải đồng bộ, chất lượng.
"Một số ý kiến băn khoăn là có lợi ích gì cho chúng tôi không, tôi khẳng định là không. Vì đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (nội dung sẽ đưa vào Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ) sẽ xã hội hóa, chúng tôi chỉ quản lý Nhà nước chứ không trực tiếp làm", Cục phó Cảnh sát giao thông nói, cho biết vấn đề cưỡng chế thi hành cũng quy định ứng dụng công nghệ là chính. Cảnh sát ra đường đi làm bắt buộc có camera, nên "không tách luật mới là có lợi ích".
Trung tướng Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Khoa học chiến lược và Lịch sử (Bộ Công an) khẳng định, giao thông đường bộ mang tính phổ biến cao, khác với các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa vốn mang tính chuyên ngành. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thuộc chức năng của Bộ Công an.
Trong đó, công an chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tập trung vào công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (kiến thức, ý thức pháp luật, năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật, điều tra, giải quyết tai nạn...). "Hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng tách thành luật chuyên ngành phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay", tướng Chi nói.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, cho biết quá trình thẩm tra báo cáo tình hình trật tự an toàn giao thông hàng năm, ông thấy hệ thống giao thông đường bộ tồn tại nhiều vấn đề như: Ai chịu trách nhiệm về kết cấu hạ tầng giao thông từ cao tốc đến đường liên huyện, liên xã? Cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết các điểm đen, tham nhũng khi xây dựng đường cao tốc? Người không đủ điều kiện sức khỏe, có vấn đề tâm thần vẫn được cấp phép lái xe, dùng bằng giả nhiều năm vẫn qua mắt được cơ quan quản lý... Hoàng loạt vấn đề đó Ủy ban chưa nhận được câu trả lời thấu đáo.
Ông Đức đồng tình phải hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ theo hướng tách ra thành hai luật. Tuy nhiên, việc bóc tách rất khó khăn và cần thời gian dài. "Tôi đề nghị ban soạn thảo không được chủ quan, phải tận dụng trí tuệ các nhà khoa học, chuyên gia, xây dựng dự án luật hoàn chỉnh để khi đưa ra Quốc hội mới thuyết phục được đại biểu. Mục đích xây dựng Luật phải là phục vụ an toàn giao thông tốt nhất cho người dân", tướng Đức nhấn mạnh.
Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020). Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến, Quốc hội biểu quyết và Thường vụ Quốc hội đã chuyển dự án luật về Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh. Hơn 52% đại biểu thời điểm đó đồng tình chuyển dự án luật trình Quốc hội khóa XV.
Trước đó ngày 27/1, tại tọa đàm lấy ý kiến các địa phương và hiệp hội về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không còn quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Nội dung này sẽ đưa vào Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.