Sáng 27/1, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các địa phương và hiệp hội về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Theo đó, đạo luật này được xây dựng thành hai luật, một luật như hiện nay do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì.
Cùng với việc tách luật, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không còn quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Các nội dung này dự kiến đưa vào Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cảnh sát giao thông, khi xây dựng dự thảo Luật mới, ngành công an sẽ quy định rõ hơn các nội dung như giấy phép lái xe, tổ chức giao thông và có cơ chế chống ùn tắc, trường hợp nào mới được dừng phương tiện...
Ông Bình cũng phủ nhận việc Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bãi bỏ các trung tâm sát hạch giấy phép lái xe do Bộ Giao thông Vân tải quản lý lâu nay. Các trung tâm này vẫn được xã hội hóa đầu tư, nhà nước chỉ quản lý chất lượng.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý sau cấp phép là quản lý hành vi của con người, và nội dung này liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép lái xe được kết nối với dữ liệu vi phạm sẽ giúp lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia giao lực lượng cảnh sát làm công tác này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Bộ Công an đang tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với tên gọi đề xuất là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trong đó đề cập quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mang tính nguyên tắc. Nội dung cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan sẽ do Chính phủ quy định sau khi Luật được ban hành.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, bày tỏ không đồng tình việc tách luật nêu trên, vì tất cả các nội dung từ kết cấu đường bộ; tổ chức giao thông; tuần tra, kiểm soát cũng như thanh tra giao thông; điều kiện kinh doanh... đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. "Để các nội dung này trong một Luật sẽ tạo được tính thống nhất, tách ra sẽ không ăn khớp nhau", ông Quyền nói.
Ông Quyền cũng cho rằng thời gian qua, ngành giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe; các trung tâm sát hạch được hiện đại hóa, tăng chất lượng giám sát. Nhiều nước trên thế giới công nhận giấy phép lái xe của Việt Nam. Việc đổi giấy phép lái xe cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4, được người dân đánh giá cao.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng hầu hết việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở các nước trên thế giới do cơ quan dân sự quản lý. Ngành giao thông đã hình thành hệ thống quản lý sát hạch, cơ sở dữ liệu cấp giấy phép lái xe, giờ chuyển sáng ngành công an có thể phải đầu tư mới, tốn kém ngân sách.
"Quan điểm của Hiệp hội là không nên chuyển chức năng này sẽ gây xáo trộn bộ máy thực hiện và công tác quản lý", ông Quyền nói.
Đại diện một số địa phương như Thanh Hóa, Khánh Hòa cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh này không đồng tình tách hai luật, bởi các cơ quan chưa làm rõ cơ sở thực hiện.
Theo Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một số cơ quan được lấy ý kiến cũng đề nghị không nên tách Luật Giao thông đường bộ, vì không bảo đảm tính thống nhất, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật.
Đại diện Tổng cục còn nêu ý kiến từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho hay kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020), đa số ý kiến đại biểu không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Tuy nhiên, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không điều chỉnh nội dung này, tức là chưa tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải cần đánh giá kỹ lưỡng tác động và giúp Chính phủ tiếp tục làm rõ, giải trình thuyết phục hơn để báo cáo Quốc hội.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề nghị hai cơ quan soạn thảo tiếp tục bàn về các nội dung trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), làm rõ sự cần thiết việc tách hai luật để trình Chính phủ vào tháng 3 tới.
Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đồng thời, Bộ Công an xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, đã có 63,79% đại biểu không đồng ý tách thành 2 Luật; 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Văn phòng Chính phủ sau đó đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, có phương án tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về các nội dung trên.