Ngày 16/11, Quốc hội lần lượt thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là hai dự án Luật tách ra từ Luật Giao thông Đường bộ hiện hành.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, qua thảo luận tại hội trường sáng nay, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên việc tách hai luật như nêu trên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nhiều đại biểu cho rằng, hai luật tuy điều chỉnh nội dung khác nhau, nhưng đều phải đặt trong tổng thể xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ, do vậy phải đánh giá kỹ việc tách luật hay không. Có đại biểu lại đồng tình với đề nghị của Chính phủ, cho rằng tách thành hai luật là phù hợp.
"Đây là vấn đề rất lớn, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu sau phiên thảo luận chiều nay", Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Ông cũng cho biết, hai dự án luật trên sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 11 (năm 2021) không nhiều và đây lại là kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, nên nhiều đại biểu đề nghị chưa xem xét thông qua luật trong kỳ họp tới. "Vấn đề này cũng sẽ được Thường vụ xin ý kiến Quốc hội", ông nói.
Phiên thảo luận về dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) sáng nay ghi nhận 26 đại biểu nêu ý kiến, 4 người tranh luận. Ông Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc tách Luật được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng, vì vậy ông ủng hộ lựa chọn của Chính phủ.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, cũng cho rằng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ là hai lĩnh vực khác nhau. Nếu như Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh người tham gia giao thông, thì Luật Giao thông đường bộ quy định về cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng và phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ không đồng tình với các ý kiến trên. Theo ông, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm xem xét tính hợp lý các vấn đề do Chính phủ trình, "không phải Chính phủ phân công rồi thì đại biểu Quốc hội cứ nhất định như thế".
Trong khi đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói tách luật theo "thông lệ Quốc tế", ông Bộ lại cho rằng "như vậy là trái thông lệ". Theo ông, Việt Nam đã ký công ước quốc tế về vận tải, trong đó có vấn đề công nhận giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe.
Thông lệ quốc tế cho thấy không phải các nước đều quy định cơ quan cảnh sát cấp giấy phép lái xe. Chẳng hạn ở Mỹ có 46/53 bang bằng lái xe do cơ quan giao thông cấp, chỉ 4 bang là cảnh sát cấp; ở Canada thì đều giao cơ quan giao thông cấp; ở Châu Âu có 19 nước do cơ quan giao thông cấp, duy nhất Bungari do cảnh sát cấp; ở châu Á chỉ có Indonesia do cảnh sát cấp...
Đại biểu Bùi Văn Xuyền không đồng tình việc tách luật hiện hành ra làm hai, vì Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh là kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Bốn thành tố này thống nhất, gắn kết chặt chẽ, đảm bảo chất lượng an toàn giao thông đường bộ, "tách ra thì trở nên khô cứng và vô nghĩa".
Ông ví dụ, xây dựng con đường, cây cầu không tính đến an toàn giao thông thì cây cầu không có ý nghĩa trong thực tiễn; sản xuất ôtô, xe máy mà không tính đến việc lưu thông, người sử dụng và mức độ an toàn thì chỉ là xe trưng bày trong triển lãm.
Ông Xuyền cũng cho rằng, tên gọi Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa hoàn toàn chính xác, vì bảo đảm trật tự an toàn giao thông là mục đích chứ không phải đối tượng điều chỉnh. Vấn đề bảo đảm an toàn không chỉ nằm ở quy tắc, yêu cầu trong việc tham gia giao thông mà còn ở cả hạ tầng và phương tiện.
"Tách hai luật thì rất khó đảm bảo tính thống nhất, rành mạch trong quy định", ông Xuyền nói và "tha thiết mong các đại biểu dành công việc nêu trên cho Quốc hội khóa sau vì khóa XIV còn rất ít thời gian".
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, trong phiên thảo luận chiều nay (16/11), các thành viên Chính phủ phụ trách lĩnh vực sẽ giải trình Quốc hội kỹ hơn những vấn đề liên quan.
"Chiều nay có hai phần rất quan trọng. Phần thứ nhất là hai chương trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành chuyển qua dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, liên quan đến cấp bằng, đào tạo lái xe và các nguyên tắc tham gia giao thông. Phần thứ hai về xử lý tai nạn giao thông đường bộ, là công việc Bộ Công an đã thực hiện thời gian qua. Tôi nghĩ rằng, Quốc hội sẽ có nhiều vấn đề để thảo luận và góp ý", ông Thể nói.
Hoàng Thùy - Viết Tuân