Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), về vấn đề này.
- Ở góc độ quản lý nhà nước, xe cũ nát, lạc hậu được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Xe cũ nát, lạc hậu là thuật ngữ nôm na dân gian, vì có những xe cũ nhưng được bảo hành, bảo dưỡng tốt thì nó không hề nát. Về pháp luật, hiện Chính phủ mới chỉ quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô, trong đó ôtô khách là 20 năm, ôtô tải 25 năm.
Các loại ôtô khác hay môtô, xe gắn máy chưa có quy định về niên hạn sử dụng. Còn xe cũ nát như mọi người vẫn nói, theo tôi hiểu là ám chỉ đến những xe mà có rất nhiều cái không, như không đèn, không còi, không ống giảm thanh, giảm khói... Trên đường chúng ta có thể thấy nhiều xe cũ nát được sử dụng để chở gas, bán hàng rong...
Với ôtô, Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, với xe máy chưa có quy định, nên chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc.
Hiện ở các đô thị lớn, đa số người dân sử dụng xe mới, lượng xe cũ nát không phải quá nhiều. Tiêu chuẩn khí thải đối với xe mới ở Việt Nam thuộc nhóm đầu của khu vực. Việc ô nhiễm không khí do khí thải xe, theo tôi, nguyên nhân chính là ở Việt Nam số người sử dụng phương tiện cá nhân quá nhiều, dẫn tới vượt quá sức chịu tải của môi trường.
- Ông nhận định như thế nào về tính khả thi của đề xuất thu hồi xe cũ nát, lạc hậu?
- Việc thu hồi xe máy hay ôtô của người dân không hề đơn giản bởi đó là một tài sản của người dân. Chính quyền không thể nói thu là thu, bỏ là bỏ được mà cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ.
Cách đây hơn 10 năm, Bộ Giao thông Vận tải cùng một số đơn vị liên quan đã bàn thảo việc thu hồi môtô, xe gắn máy. Tuy nhiên, do xe máy ảnh hưởng rất nhiều đến người dân, hàng triệu người sử dụng xe máy là phương tiện mưu sinh, đặc biệt là người dân nghèo. Vì vậy việc áp đặt một biện pháp quản lý nào đó đối với môtô, xe gắn máy cần rất thận trọng bởi vì nó tác động xã hội rất lớn.
Nói như trên không có nghĩa là chúng tôi phản đối thu hồi xe cũ nát. Dù xe cũ nát là số ít nhưng lại gây vấn đề nhức nhối. Có thể kể đến như vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Xe cũ nát cũng gây khó chịu cho người xung quanh vì ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khí thải, do vậy, việc thu hồi những xe này là rất cần thiết.
- Ông đề xuất như thế nào về lộ trình triển khai việc thu hồi xe cũ nát, lạc hậu?
- Nhiều nước không quy định niên hạn đối với xe máy. Họ quản lý trên cơ sở yêu cầu kỹ thuật, khí thải xe đạt thì được tham gia giao thông và ngược lại. Người ta cũng quy định về mức bảo hiểm, xe càng cũ thì bảo hiểm càng cao, đến một lúc nào đấy người dân thấy thà đổi xe mới còn hơn là cứ đi xe cũ vừa tốn tiền, vừa không yên tâm.
Ở Việt Nam, việc kiểm soát xe cũ nát, lạc hậu cũng nên được thực hiện thông qua kiểm kê khí thải, nghĩa là đo lượng khí thải ra của xe, nếu dưới mốc nhất định sẽ được lưu hành, còn trên mốc thì không cho phép lưu hành. Việc này cần triển khai trước ở các đô thị lớn, nơi có nhiều phương tiện gây ô nhiễm không khí.
Về loại phương tiện, những xe nào cũ, khả năng gây ô nhiễm cao nên được ưu tiên kiểm kê trước; hoặc ưu tiên kiểm kê trước với xe phân khối lớn, loại xe này số lượng ít hơn và kiểm soát khả thi hơn.
Có ý kiến đề xuất kiểm soát theo biển đăng ký. Tuy nhiên, theo tôi nếu kiểm soát bằng cách này, các xe ở Hà Nội sẽ phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng môi trường, nhưng xe ở ngoại tỉnh không đảm bảo vẫn chạy vào được, khiến cho việc kiểm soát trở nên vô nghĩa.
Chúng tôi nghĩ rằng có thể quy định về tem nhãn, những xe đạt quy định về môi trường phải có tem xanh. Xe dán tem nhãn được đi vào phố, nếu không sẽ bị phạt.
- Nếu triển khai kiểm soát khí thải môtô, xe máy thì năng lực ngành đăng kiểm đáp ứng được đến đâu?
- Hiện nay có hàng trăm trung tâm kiểm định ôtô, những trung tâm đó sau này có thể trở thành nòng cốt kiểm soát khí thải xe máy. Tuy nhiên, với số lượng mấy chục triệu môtô, xe gắn máy, chỉ riêng các trung tâm đăng kiểm sẽ không thể đáp ứng được. Chính vì vậy cần sử dụng hàng nghìn cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các đơn vị lắp ráp, các hãng xe.
Về mặt kỹ thuật, việc kiểm soát khí thải không khó, chỉ cần trang bị một máy đo khí thải, phần mềm kết nối dữ liệu để tổng hợp. Nếu được chuẩn bị tốt thì mỗi xe máy thường chỉ mất từ 3-5 phút để hoàn tất việc kiểm tra.
Triển khai việc này cần có lộ trình rõ ràng, thống nhất của ba bên liên quan. Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ, thực hiện việc kiểm soát.
Nhà sản xuất lên phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ, đổi xe mới, sau đó họ xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ.
Với người dân, cần nâng cao nhận thức về bảo hành, bảo dưỡng, bởi xe có tốt, có mới mà không bảo dưỡng đúng cách thì sẽ giảm chất lượng, không đáp ứng chỉ tiêu về mặt chất lượng. Điều quan trọng nữa là người dân cần đồng thuận khi nhà nước có chính sách kiểm soát khí thải.