Dù tuổi đã cao, ông Nguyễn Phương Quế (quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn rất minh mẫn và năng động. Ông thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện lịch sử trong tâm thế đầy tự hào của người con đất Việt. Từ những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước đến các kiến thức khoa học, xã hội..., ông đều am tường cặn kẽ.
Là học sinh chuyên Toán, ông Quế từng đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi Toán của Hà Nội. Thời đó chưa có kỳ thi cấp quốc gia. Năm 1960, ông đậu vào ngành Xây dựng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thích Toán từ nhỏ, sau khi ra trường, chàng thanh niên gốc Hà thành được cơ quan tạo điều kiện học thêm ngành Toán ở Đại học Tổng hợp.
Theo học không bao lâu, ông được phân công vào miền Nam công tác và đầu quân cho Tổng Công ty điện lực miền Nam.
Đến năm 2000, ông Quế nhận quyết định nghỉ hưu sau 36 năm miệt mài làm việc. Thay vì nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, ông nhận làm thêm các dự án cho công ty nước ngoài và tham gia thỉnh giảng ở một số trường đại học để khiến mình trở nên bận rộn.
Ở độ tuổi U80, ông vẫn muốn tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội. Đó là lý do, ông Quế tiếp tục đi học, nhưng giấu cả gia đình. "Tôi không muốn các con nói mình già rồi còn ham vui. Học cũng như một trò giải trí vậy, người thì thích trồng cây, nuôi chim, người chọn bia bọt, múa hát còn tôi thích đi học. Đừng xem học là một việc nặng nề, nó có thể làm chậm quá trình lão hóa của đầu óc", một trong những học viên lớn tuổi nhất ở Việt Nam chia sẻ.
Để minh chứng bản thân không phải là trường hợp duy nhất "già mà ham vui", ông Quế cho biết nhiều bạn bè của mình còn tham gia câu lạc bộ múa, hát. Đi học không phải vì bằng cấp hay tìm kiếm việc làm, ông Quế chỉ mong muốn nâng cao kiến thức để không bị lạc hậu.
Hàng ngày, ông vẫn duy trì thói quen lên mạng xem tin tức, cập nhật tình hình thời sự. Ông sử dụng rất thành thạo các công cụ Gmail, Facebook, Yahoo, Google... Thấy lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều ứng dụng hay, lại xuất thân từ dân Toán nên ông chọn ngành này để theo học.
"Có ý định đi học từ lâu, thỉnh thoảng tôi cũng lên mạng tự học nhưng nhiều khi khó không biết hỏi ai. Còn theo học tại các trường thì tôi chưa chọn được chương trình thích hợp vì ngại ôn lại kiến thức để thi đại học hay tham gia học offline ở các trung tâm. Biết thông tin về đại học online, không cần đi lại nhiều, lại không phải thi tuyển nên tôi đã gọi điện hỏi thăm", ông Quế tâm sự.
Học phí khá cao so với mức lương hưu của mình, song ông không muốn phiền tới con cháu trợ giúp. Đang nghĩ cách thì vài tuần sau, ông bất ngờ nhận được thông báo từ trường gọi nhập học vì ông Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX quyết định cấp học bổng 100% cho học viên đặc biệt này ở chứng số 1.
Không quên cảm ơn trường, nhưng trước khi nhập học, ông Quế chia sẻ với cán bộ đào tạo việc mình tuổi đã khá cao, có thể gặp nhiều khó khăn trong khi học. "Già rồi, khi học có lẽ sẽ tiếp thu chậm hơn lớp trẻ, nhưng lại nhanh quên. Đặc biệt, khi học về phần cứng, tay tôi đã run nên không thể nào thực hành lắp ráp bằng những con vít nhỏ" ông Quế lo lắng.
Mặc dù vậy, sau vài ngày chính thức tham gia vào khóa học, sinh viên đặc biệt này cho biết đã bắt đầu quen dần với chương trình. Không để mình bị thua lớp trẻ, ông Quế dành mỗi ngày 2-4 tiếng truy cập Facebook để học bài.
"Ngành gì cũng vậy, phải có ham thích mới có thể theo đuổi, tôi thích Toán - Tin từ nhỏ nhưng bây giờ, khi không phải vướng bận nữa mới có thể đi học. Đây cũng là cách tập thể dục cho đầu óc", sinh viên lớn tuổi nói.
Trước đó, cũng ở trường này có học viên 63 tuổi theo học, đó là ông Nguyễn Dư Đức. Điều đặc biệt, ông là một trong những thế hệ sinh viên đầu tiên của Việt Nam tham gia học ngành Khoa học máy tính, khi lĩnh vực này còn chưa phổ biến. Là lập trình viên, có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng khi về hưu, ông vẫn quyết định đi cập nhật kiến thức mới từ những mentor trẻ hơn mình.
N.Loan