Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, như nhiều bạn trẻ cùng tuổi, tôi bước vào kỳ thi đại học. Với mơ ước trở thành bác sĩ, tôi đã nỗ lực dùi mài kinh sử, đặc biệt là các môn khối B trong 3 năm phổ thông.
Năm đó, tôi thi vào Đại học Y Hà Nội, dù kết quả không quá tệ nhưng tôi vẫn còn thiếu 4 điểm nữa để đậu. Thay vì đăng ký nguyện vọng 2 vào ngành Y ở các trường khác, tôi quyết định ở nhà tiếp tục ôn thi để năm sau thi lại.
Để chắc ăn, tôi học thêm môn Lý nhằm thi thêm khối A vào trường khác, nâng cao cơ hội đậu đại học. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian tôi phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình. Năm đó, ngoài việc thi khối B vào Đại học Y Hải Phòng vì thấy mức điểm chuẩn thấp hơn so với điểm tôi đạt được năm trước, tôi thi thêm khối A vào Đại học Hàng Hải.
Thật cay đắng, tôi cùng lúc trượt cả 2 trường vì đều thiếu 0,5 điểm. Lúc đó, tôi thực sự tuyệt vọng khi bao nhiêu mơ ước, hoài bão và cả hy vọng của bản thân, gia đình, thầy cô, bạn bè đều tan biến. Tôi chỉ ước có thể đi đâu thật xa cho quên hết lỗi buồn, thậm chí không dám gặp và nói chuyện với mọi người.
Hiểu cảm giác của tôi, một người cô đã tìm lối thoát bằng cách khuyên tôi đăng ký theo học khóa Lập trình viên của một trung tâm mới mở, bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên ở Hải Phòng. Công nghệ thông tin, Lập trình viên là những khái niệm rất mơ hồ với tôi lúc đó, nhưng để thoát khỏi bế tắc, tôi đã gật đầu và tìm mọi cách thuyết phục gia đình cho theo học.
Lớp học có 15 người thì tôi là đứa duy nhất lần đầu tiên cầm chuột máy tính, chưa từng vào Internet hay biết chút gì về công nghệ thông tin. Ba tháng đầu, tôi không khỏi hoang mang khi mọi thứ đều lạ lẫm, thi kết thúc môn, tôi trượt cả lý thuyết lẫn thực hành.
Lúc nhà trường gửi giấy báo kết quả học tập về cho gia đình, bố cầm đến trước mặt tôi với cái lắc đầu ngao ngán, lúc đó, trong đầu tôi đã nghĩ đến khái niệm đầu hàng. Trước khi đi học, tôi đã hứa với gia đình sẽ làm lại từ đầu, để chứng minh mình không phải là kẻ thất bại. Vậy không lẽ giờ tôi lại đầu hàng và thừa nhận tất cả. Để chứng minh điều ngược lại, tôi lao vào học như điên như dại, có khi ngày chỉ ngủ 3-4 giờ, ngoài 3 tuổi lên lớp trong tuần, thời gian còn lại, tôi ngồi trong phòng Lab của trung tâm, buổi tối về nhà không có máy thì cặm cụi bên giáo trình và tài liệu.
Nỗ lực của tôi đã có tiến triển tích cực, sau 3 tháng, tại kỳ thi môn tiếp theo và thi lại các môn trượt trước đó, tôi đều đạt điểm tối đa. Lần đó, tôi đã thấy nụ cười và niềm tin trở lại trong ánh mắt cha mẹ, bạn bè, thầy cô trong lớp. Để động viên con trai, cha tôi đã tặng chiếc máy tính bàn tự mua, tự lắp ráp thiết bị cũ với tổng số tiền 3,5 triệu đồng. Bạn có thể hình dung tốc độ của máy khi mở Dreamweaver, phải mất 5 phút để khởi động và 3 phút cho việc Save, nhưng với tôi, nó là phần thưởng lớn hơn bất cứ thứ gì và là khởi đầu cho một tình yêu mới.
Tôi gọi là tình yêu mới vì từ lúc nào không hay, tôi đã yêu chiếc máy tính, yêu ngành công nghệ thông tin và yêu nghề lập trình. Vì nhờ chúng, tôi thấy được giá trị của mình, tôi thấy mình đang tồn tại, được thỏa đam mê, khám phá.
Sau khi kết thúc kỳ một của khóa học, tôi tiếp tục đăng ký học kỳ 2 ở đây và về Hà Nội xin vào làm lập trình viên website cho một công ty nhỏ. Dù khá vất vả khi ngày phải đi làm, tối đi học nhưng khi cầm tháng lương đầu tiên trên tay và tự mình đóng học phí cho khóa học bằng tiền của bản thân, tôi đã không cầm được nước mắt.
Gắn bó với ngành Công nghệ thông tin, tôi trải qua các vị trí khác nhau ở nhiều công ty. Năm 2012, tôi được giao công việc của một Team leader phụ trách quản lý nhóm. Ngoài công việc quản lý, tôi còn viết kịch bản ý tưởng cho game design, quản trị vận hành game, phát triển game mới, nghiên cứu thị trường game hiện tại, định hướng phát triển cho các sản phẩm mới của công ty.
Dù đã có công việc tốt với mức thu nhập khá hấp dẫn, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng đi học để nâng cao khả năng và cập nhật kiến thức vì mình đang làm việc trong lĩnh vực thay đổi liên tục.
Tôi không dám hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành triệu phú nhưng vẫn mơ ước có thể thành lập một công ty cho riêng mình để thực hiện những ý tưởng, dự án của bản thân. Để thực hiện giấc mơ này, tôi không còn hảo huyền như thời thi đại học của tuổi 20 nữa, tôi đã lên kế hoạch rất thực tế bằng cách tiếp tục bổ sung những kiến thức công nghệ cần thiết ở Đại học trực tuyến FUNiX.
Hy vọng sau khi hoàn thành khóa học ở trường này, tôi có thể cầm trong tay tấm bằng Kỹ sư Công nghệ thông tin và quan trọng hơn là có được những kinh nghiệm thực tế từ những người thầy đặc biệt của FUNiX.
Học đại học ở tuổi 31, tôi không khỏi băn khoăn, nhất là khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ gia đình và bạn bè. Nhưng có vợ ủng hộ, tôi đã vượt qua mặc cảm để có thể thực hiện giấc mơ của mình.
Nguyễn Văn Hạnh (Hà Nội)