Nguyễn Trung Lợi (23 tuổi) là học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Cấp 3, Lợi theo học chuyên Tin và từng đạt thành tích cao trong lĩnh vực này như: giải khuyến khích học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Tin học, năm 2011; Huy chương Bạc Tin học khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, năm 2010; giải khuyến khích Tin học trẻ Toàn quốc, năm 2009.
Năm 2011, Lợi thi đậu vào ngành Khoa học máy tính của một trường đại học lớn ở TP HCM. Niềm vui đậu đại học chưa được bao lâu thì nam sinh quyết định nghỉ học trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Dù nhiều người khuyên ngăn, nhưng cho rằng chương trình học ở trường quá nặng về lý thuyết, mang tính hàn lâm nên Lợi kiên quyết giữ ý định này.
"Học được mấy tháng, tôi không khỏi trăn trở. Đam mê lập trình và muốn trở thành kỹ sư phần mềm, tại sao tôi phải học những nội dung hàn lâm, chương trình đại cương rất nặng trong khi phần lớn kiến thức này không thể sử dụng khi đi làm", chàng trai gốc Vĩnh Long nhớ về quyết định để đời của mình.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không muốn phí thời gian của bản thân và tiền bạc của cha mẹ, sau khi nghỉ học, nam sinh bắt đầu lên mạng tự mày mò những kiến thức cần thiết về tin học. Lúc đầu, Lợi học làm website và các phần mềm, ứng dụng đơn giản. Khi đã có chút kinh nghiệm, Lợi xin vào làm việc với vị trí thấp ở các công ty công nghệ của Việt Nam.
Trong quá trình làm việc, Lợi luôn cố gắng học hỏi từ đồng nghiệp. Ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn Tin học, nam thanh niên còn dành thời gian để rèn luyện khả năng tiếng Anh với hy vọng phát triển sự nghiệp.
"Mình tin vào sức mạnh của Internet. Google là công cụ tìm kiếm hữu ích, do vậy mình tận dụng Google, Stackoverflow và những trang tài liệu trực tuyến để tự nâng cao khả năng của bản thân", Lợi nói. Chàng trai trẻ cho rằng, do từng học chuyên Tin, bản thân khá giỏi giải thuật và được trải nghiệm qua nhiều kỳ thi cấp quốc gia nên việc học công nghệ không mấy khó khăn, nhất là khi tài liệu trực tuyến rất phổ biến.
Dù tự học hoàn toàn, nhưng đến nay, Lợi đã làm việc được hơn 4 năm ở các công ty gia công phần mềm của châu Âu có trụ sở tại Việt Nam như: SwissITBridge (Thụy Sỹ) và Epinion (Đan mạch).
Làm việc trong môi trường công ty nước ngoài, Lợi tranh thủ nâng cao khả năng tiếng Anh và các kỹ năng cần thiết khác. Dù chưa qua trường lớp nào nhưng hiện Lợi có thể sử dụng tốt tiếng Anh và tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.
Tuy vậy, do không học đại học khiến Lợi gặp khó khăn khi ra nước ngoài làm việc. Mới đây, cậu thi đậu phỏng vấn Kỹ sư cầu nối làm việc ở Nhật; thậm chí được Rocket Internet - một công công ty công nghệ lớn của Đức mời sang làm Kỹ sư cấp cao. Tuy nhiên, theo Luật lao động ở nước ngoài, Lợi bị vướng mắc một số vấn đề, các công ty không thể xin giấy phép làm việc cho Lợi vì cậu không có bằng đại học.
Không hài lòng với vị trí hiện tại, Lợi quyết định học đại học khi đã có công việc tốt với mức thu nhập nghìn USD mỗi tháng ở tuổi 23. Tuy nhiên, thay vì nghỉ làm và mất thời gian đến lớp học theo giờ hành chính, Lợi chọn học ngành Công nghệ thông tin ở Đại học trực tuyến FUNiX để tiết kiệm thời gian và công sức.
Chọn học ở trường đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, Lợi không chỉ học để có bằng Kỹ sư phần mềm mà còn muốn được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia về các lĩnh vực bản thân quan tâm như: công nghệ Java, Hadoop - Big Data, kiến trúc phần mềm cho doanh nghiệp, điện toán đám mây....
"Một kỹ sư phần mềm không chỉ giỏi kỹ thuật là đủ, các vấn đề về xã hội, quy trình công nghiệp và cách thức quản trị doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Khi tham gia học chương trình online, tôi có thể vừa học, vừa làm", Lợi nhận nói thêm.
Uớc muốn thành lập một doanh nghiệp phần mềm và có thể đứng vào hàng ngũ mentor của FUNiX, Lợi cho biết đã lên kế hoạch cụ thể để có thể hoàn thành nhanh nhất chương trình đại học. Dù phải đi làm thường xuyên, nhưng để thực hiện kế hoạch này, Lợi dành phần lớn thời gian buổi tối và những lúc rảnh để học bài.
Lợi cho rằng việc học trực tiếp với đội ngũ giảng viên là những chuyên gia, doanh nhân đầu ngành sẽ học hỏi kiến thức thực tế tốt hơn. Vì chính những người thầy này mới biết xã hội cần gì và sinh viên phải học như thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc.
N.Loan