Một phi công thuộc Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã thể hiện bản lĩnh và thần kinh thép khi cố cứu vãn một thảm họa do chính chiếc tiêm kích đang bốc cháy của mình sắp gây ra, theo War History Online.
Sáng 14/5/2009, biên đội hai chiếc tiêm kích Harrier GR9 của không quân Anh trở về sân bay Kandahar ở Afghanistan sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đây là thời điểm bận rộn của sân bay Kandahar, nhiều chuyến bay dân dụng đến và đi nối tiếp nhau. Kiểm soát không lưu yêu cầu hai chiếc tiêm kích lượn vòng trên không trong 10 phút để chờ tới lượt hạ cánh.
Sau đó, hai tiêm kích của RAF được lệnh hạ cánh thật nhanh để tránh làm tắc nghẽn sân bay. Khi chiếc đầu tiên chuẩn bị hạ cánh vì sắp hết nhiên liệu, hệ thống cảnh báo tên lửa trên máy bay bỗng phát tín hiệu khẩn cấp, buộc phi công phải phóng mồi bẫy nhiệt trong quá trình hạ cánh.
Chiếc tiêm kích thứ hai mang số hiệu ZG478 tiếp cận đường băng trên quãng đường quá ngắn, độ cao cũng lớn hơn mức bình thường. Phát hiện ra sai sót, phi công bật tăng lực tối đa để hủy quá trình hạ cánh ở độ cao 54 m, nhưng nỗ lực này không có tác dụng.
Đuôi máy bay đập xuống đất ở cách đầu đường băng khoảng 12 m. Tất cả càng đáp đều bị gãy vì cú va đập quá mạnh với mặt đất, máy bay chúi về trước làm phần mũi bị gãy rời. Thùng nhiên liệu bốc cháy do ma sát với đường băng, ngọn lửa bắt đầu trùm lên thân chiếc Harrier.
Chiếc tiêm kích bốc cháy lao nhanh về phía 4 chiếc chiến đấu cơ mang bom đang chờ để chuẩn bị cất cánh, khiến một thảm họa ở sân bay Kandahar chỉ chực chờ xảy ra. Lúc này phi công hoàn toàn đủ khả năng phóng dù thoát khỏi máy bay để đảm bảo tính mạng bản thân.
Tuy nhiên, phi công chiếc tiêm kích vẫn không thoát ly khỏi máy bay và tận dụng những giây phút cuối cùng để điều khiển chiếc tiêm kích tránh xa khu vực nguy hiểm. Chỉ khi chiếc tiêm kích Harrier sắp dừng hẳn ở khu vực trống trải, phi công này mới kích hoạt ghế phóng. Ghế phóng dù vọt lên không trung rồi bung dù, giúp phi công đáp xuống đất an toàn.
Chiếc Harrier GR9 bị cháy rụi hoàn toàn sau cú va chạm. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực và lòng quả cảm của phi công mà một tai nạn thảm khốc hơn đã không xảy ra. Bộ Quốc phòng Anh không công bố danh tính của phi công sau vụ tai nạn.
Xem thêm: Xạ thủ ngủ gật, phi công MiG-31 vẫn bắn hạ 4 mục tiêu
Tử Quỳnh