Cẩm nang Net Zero

CSR là gì? CSR khác gì ESG?

CSR là khái niệm chỉ những hoạt động đóng góp cho cộng đồng, môi trường, phát triển bền vững... thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

CSR là viết tắt của Corporate Social Responsibility (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Khái niệm này ra đời từ nhu cầu của xã hội trong việc cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế và bền vững xã hội, môi trường.

Khái niệm này bắt nguồn từ phong trào phản đối các doanh nghiệp lớn gây ra ô nhiễm môi trường và bóc lột lao động. Vào năm 1984, các vụ việc như sự cố tràn dầu của Exxon Valdez hay thảm họa nhà máy Bhopal ở Ấn Độ khiến cộng đồng và giới truyền thông yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng và môi trường.

Vào những năm 1970-1980, CSR được đề cập chính thức hơn khi các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thúc đẩy các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh. Đến 1990, CSR được tích hợp vào chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn, với trọng tâm là bảo vệ môi trường, quyền con người và phát triển bền vững.

Theo đó, CSR yêu cầu doanh nghiệp cân nhắc các tác động lâu dài đến những bên liên quan như người lao động, khách hàng, cộng đồng địa phương, môi trường.

Chẳng hạn, một công ty sản xuất có thể triển khai chương trình đào tạo nghề cho thanh niên địa phương, nhằm nâng cao kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần xem xét sức khỏe và an toàn của người lao động bằng cách cải thiện điều kiện làm việc, cung cấp các chương trình bảo hiểm y tế, và thực hiện các hoạt động hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho nhân viên.

Đồ họa: Quế Anh

Đồ họa: Quế Anh

Những khía cạnh chính của CSR

Trách nhiệm môi trường: CSR đòi hỏi doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, chẳng hạn cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, quản lý chất thải, sử dụng tài nguyên bền vững...

Trách nhiệm với cộng đồng: Doanh nghiệp tham gia vào các chương trình hỗ trợ cộng đồng như tài trợ cho giáo dục, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng hoặc các hoạt động thiện nguyện, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trách nhiệm với người lao động: CSR cũng bao gồm việc đảm bảo quyền lợi và điều kiện làm việc tốt cho nhân viên, từ khía cạnh môi trường làm việc an toàn, đảm bảo bình đẳng giới, đến việc cung cấp cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Trách nhiệm đạo đức trong kinh doanh: CSR đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch, trung thực, tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức trong mọi hoạt động kinh doanh.

CSR khác gì ESG?

Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về CSR và ESG diễn ra vào tháng 4 đã nhấn mạnh mối liên kết giữa CSR và ESG. Mục tiêu chung của cả hai khái niệm là nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường. Ngoài ra, cả CSR và ESG đều hướng tới phát triển bền vững và nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong mắt các bên liên quan.

Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ CSR mang tính tự nguyện và liên quan đến hành động đạo đức. Trong khi ESG là hệ thống đánh giá có thể đo lường nhằm quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và thu hút đầu tư dài hạn.

CSR ESG
Khái niệm CSR là cách tiếp cận mà doanh nghiệp tự nguyện đóng góp cho cộng đồng, môi trường, xã hội... ESG là một khung tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả bền vững của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị.
Mục tiêu Tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng và xã hội. Quản lý rủi ro và phát triển bền vững, nhằm thu hút nhà đầu tư và tăng cường quản trị.
Cách tiếp cận Tự nguyện, thường liên quan đến các hoạt động như từ thiện, hỗ trợ cộng đồng. Phân tích, đo lường và quản lý theo các tiêu chí cụ thể, có thể gắn với lợi ích tài chính và giảm thiểu rủi ro.
Đối tượng chính Toàn xã hội, cộng đồng, môi trường, và người lao động. Nhà đầu tư, cổ đông, các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
Tính bền vững Tập trung vào việc làm điều tốt cho xã hội, đôi khi thiếu sự tích hợp vào chiến lược kinh doanh dài hạn. Tập trung vào quản trị bền vững và được tích hợp chặt chẽ vào chiến lược kinh doanh để đảm bảo lợi ích dài hạn.
Hình thức thực hiện Bao gồm các hoạt động như bảo vệ môi trường, đóng góp từ thiện, phát triển cộng đồng. Được sử dụng như một thước đo cho hiệu suất bền vững của doanh nghiệp, thông qua các báo cáo ESG có thể định lượng.