Ngày thứ 12 áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, TP HCM đang lấy ý kiến chuyên gia, bộ ngành, chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn biện pháp phòng dịch. Động thái này nhằm kéo giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết trong cuộc họp chống dịch chiều 20/7.
Hôm 18/7 số ca nhiễm tại thành phố lên đỉnh điểm với gần 4.600 nhưng hai ngày qua đã giảm còn hơn 3.000. Khoảng 10 ngày tới, thành phố vẫn nên áp dụng các biện pháp quyết liệt. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thực hiện cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất lúc này để hạn chế lây lan. Bộ Y tế sẽ ưu tiên tối đa trang thiết bị điều trị, đồ bảo hộ... cho TP HCM. Điều quan trọng nhất là phải giữ an toàn bằng được cho đội ngũ y tế.
Sau thời gian điều trị F0 theo mô hình "tháp ba tầng", ngành y tế TP HCM chuyển sang mô hình "tháp 4 tầng". Tầng một là các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Tầng 2 là hệ thống bệnh viện điều trị F0 có triệu chứng. Tầng 3 dành điều trị những F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm nặng. Tầng 4 mới được bổ sung, là hệ thống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy và Trung tâm Hồi sức chuyên điều trị F0 nặng, nguy kịch.
Bệnh viện Chợ Rẫy - trái tim của ngành y tế phía nam đang chia nhỏ lực lượng về các bệnh viện dã chiến và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để hỗ trợ. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức, đã xin không dự họp Quốc hội kỳ này, ở lại TP HCM chống dịch.
Ngành y tế thành phố đang chủ động "đánh chặn từ xa", điều phối nhận bệnh để giảm nguy cơ tử vong trên các F0 trở nặng. Bốn bác sĩ Chợ Rẫy được điều về các bệnh viện điều trị F0 nhẹ. Nếu phát hiện dấu hiệu chuyển nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển sớm về Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Bệnh viện Hồi sức công suất 1.000 giường chuyên điều trị bệnh nhân nặng, hội tụ nhân lực, vật lực ngành y tế. Hơn 530 y bác sĩ đang làm việc tại đây nhằm thực hiện chiến lược "hạn chế bệnh nhân tử vong" của TP HCM.
Hơn 6.400 nhân viên y tế đã được Bộ Y tế điều động hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam. Hơn 9.000 người sẵn sàng chi viện. Trong ngày, hơn 300 thầy trò trường Y dược Thái Nguyên lên đường vào TP HCM chống dịch.
Bắc Giang vừa dập dịch xong, 150 y bác sĩ đã chia làm ba đoàn, hỗ trợ cho Long An, Bình Dương và TP HCM.
Hà Nội bước sang ngày thứ hai thực hiện Công điện 15, nâng cấp độ phòng chống dịch. Đường phố trung tâm vắng vẻ song nhiều người vẫn tranh thủ đổ ra bờ hồ tập thể dục lúc tờ mờ sáng.
Thủ đô ghi nhận 5 trong 9 chùm ca nhiễm chưa rõ nguồn lây. Đó là các chùm ca liên quan số nhà 90 Nguyễn Khuyến (Đống Đa); chùm nhiễm ở phường Tân Mai (Hoàng Mai); các ca ở phố Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng); chuỗi lây B6 Trại Găng, phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) và chuỗi ca liên quan nhà thuốc Đức Tâm (Đống Đa).
Đặc biệt chùm lây nhiễm liên quan nhà thuốc Đức Tâm "rất phức tạp" khi một số F1 có dấu hiệu chuyển thành F0. Nhà thuốc này đã không thực hiện chỉ đạo nghiêm của thành phố về kiểm soát người mua thuốc ho sốt. Cơ sở này đã bị đình chỉ, xem xét trách nhiệm.
Nội thành vắng, song cửa ngõ thủ đô lại ùn ứ kéo dài vì quy định trình giấy xét nghiệm âm tính PCR áp dụng với tài xế, phụ xe. Trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều hôm qua, dòng phương tiện tắc 6 km, lái xe chờ đợi 5-6 tiếng qua trạm thu phí khi chốt liên ngành kiểm soát người ra vào.
Giao thông vận tải đang ách tắc nhiều nơi vì quy định kiểm soát người ra vào khác nhau giữa các địa phương, song phần lớn đều đòi giấy xét nghiệm âm tính. Quảng Ninh yêu cầu người vào địa bàn phải có xét nghiệm PCR âm tính trong 3 ngày, không chấp nhận kết quả test nhanh khiến nhiều xe phải quay đầu tại cửa ngõ. Tình trạng tương tự ở Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 10, cao tốc, đường vào cảng biển, bến bãi tắc cứng vì quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính và dán logo màu phân loại phương tiện.
Nhiều tài xế phía Nam cũng không qua nổi chốt kiểm soát cấp tỉnh, vẫn phải trình giấy xét nghiệm âm tính hoặc bỏ tiền túi test nhanh, dù Bộ Y tế ngày 19/7 đã đề nghị bãi bỏ thủ tục này cho phương tiện chở hàng hóa tại địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16.
Một số sự việc "ồn ào" đã xảy ra tại địa phương trong thời điểm chống dịch căng thẳng. Chủ tịch TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngày hôm qua có thư xin lỗi anh công nhân bị phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa giữ xe, giấy tờ khi cho rằng đi mua bánh mì là "không thiết yếu". Thanh tra Bộ Y tế tối cùng ngày có văn bản gửi Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) yêu cầu giám đốc cơ sở này phải giải trình về việc một cô gái khoe trên mạng tiêm vaccine tại đây không cần đăng ký. Bộ muốn làm rõ, tránh gây bức xúc cho người dân.
Hôm 19/7, một giám đốc HTX môi trường ở TP HCM đã bị phạt 7,5 triệu đồng vì cấp giấy xác nhận đi đường cho con gái khi thành phố đang áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Chị này đăng giấy thông hành lên mạng xã hội, khoe "ra đường không sợ bị phạt 3 triệu đồng".
Gần ba tháng bùng phát, đợt dịch này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi ca nhiễm đã vượt 59.000, ghi nhận tại 59 tỉnh thành.
Hồng Chiêu