Hôm qua 26/7, Việt Nam ghi nhận 7.859 ca nhiễm, cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay. Số ca nhiễm mới ghi nhận tại 32 tỉnh, thành, trong đó 6.972 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu phong tỏa; 887 ca đang điều tra dịch tễ. Các tỉnh miền Nam có số ca nhiễm tăng cao là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... Như vậy, tổng số ca nhiễm cộng đồng trên cả nước trong đợt dịch thứ tư, từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã vượt 100.000 ca, tại 62 tỉnh, thành.
Tại Hà Nội, bước sang ngày thứ ba giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thành phố ghi nhận ổ dịch mới tại Bệnh viện Phổi Hà Nội với ít nhất 20 ca dương tính. Ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc bệnh viện, cho biết Khoa Nội 3, nơi phát hiện các ca dương tính, đang điều trị bệnh về phổi, nằm giữa các khu vực điều trị của viện. Vì vậy, ngoài các ca F0, "gần như toàn bộ bệnh viện đã trở thành F1". Nguồn lây bệnh chưa được xác định, nên công tác truy vết, điều tra dịch tễ được tiến hành khẩn trương.
Hiện, không chỉ Khoa Nội 3 mà tất cả các khoa trong bệnh viện được cách ly y tế "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Bệnh viện cũng đã được phong tỏa ngay tối 25/7.
Tổng số người có mặt tại bệnh viện là 323, trong đó 214 bệnh nhân đang điều trị, đều đã được lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, bệnh viện xét nghiệm cho tất cả người nhà và các cán bộ nhân viên y tế đang nghỉ cuối tuần.
Tại TP HCM, từ 18h ngày 26/7, thành phố yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
Sau 18h, chỉ có các trường hợp sau được ra đường: cấp cứu, lực lượng chống dịch hoặc hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan, chính quyền địa phương; phóng viên, biên tập viên cơ quan báo đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo.
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; xe chở hàng thiết yếu, đưa đón lực lượng làm nhiệm vụ phòng dịch; xe chở công nhân tại các doanh nghiệp thực hiện "một cung đường - 2 điểm đến"; xe chở vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố.
Các địa phương phát phiếu mua lương thực, thực phẩm cho từng hộ gia đình theo ngày chẵn, lẻ; chia khung giờ đi mua để giảm tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người.
Ngày đầu thực hiện lệnh cấm ra đường, TP HCM vắng lặng như "chưa từng có". Những hoạt động ngoài công vụ bị xử lý nghiêm.
TP HCM đã trải qua 18 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đã ghi nhận hơn 66.422 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư.
Tại Cần Thơ, với gần 700 ca nhiễm sau 18 ngày, thành phố đang xem xét giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm hai tuần, thay vì kết thúc từ 1/8.
Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Cần Thơ cho biết, tình hình dịch bệnh tại địa phương diễn biến nhanh và phức tạp, nhiều ca F0 mới vẫn còn xuất hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, chưa rõ nguồn lây.
Các ổ dịch tại chợ đầu mối Tân An (quận Ninh Kiều), chợ Trà An (quận Bình Thủy) và phường Hưng Phú (quận Cái Răng) vẫn phát sinh F0. Nhiều ổ dịch mới lây lan rất nhanh như ở xã Trường Xuân (huyện Thới Lai), hẻm Lò Mỗ (quận Ninh Kiều)... F0 đã xuất hiện tại một số công ty trong khu công nghiệp ở quận Bình Thủy, Ô Môn...