Chiều 26/7, trước khoảng một giờ khi lệnh cấm có hiệu lực, các tuyến đường ở quận 1 như Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn... thưa thớt người qua lại. Chỉ có xe của lực lượng công an, y tế, chở hàng, xe công ty môi trường chạy trên đường. Nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini treo bảng ngưng bán hàng, thu dọn đồ đạc.
Anh Trần Thanh Tâm, bảo vệ cửa hàng tiện lợi trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) cho biết, từ 17h cửa hàng đã nghỉ giao dịch. "Nhiều người tới dựng xe chuẩn bị vào mua hàng nhưng chúng tôi không nhận khách nữa", anh nói. Gần đó những dãy nhà, cửa hàng ở các phố trung tâm đều đóng cửa. Khu vực cơ quan nhà nước, trung tâm thương mại, khách sạn, ngân hàng... chỉ còn 1-2 bảo vệ trông giữ.
18h, tổ kiểm tra của Công an quận 1 gồm cảnh sát giao thông, quân đội, bảo vệ dân phố dùng 3 môtô đặc chủng tuần tra các tuyến đường trung tâm thành phố. Loa gắn trên xe liên tục phát yêu cầu người dân ở yên trong nhà, thực hiện nghiêm túc quy định 5K, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.
Tại chốt ở giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Điện Biên Phủ (quận 1), lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ nhiều người đi xe máy. Chị Mai Thanh Thúy, 28 tuổi, nhà ở quận 10, cho biết chiều nay hẹn đi tiêm vaccine ở Bình Thạnh, phải xếp hàng đông nên về muộn. "Chưa bao giờ thấy thành phố mới 6h chiều mà vắng vẻ như vậy", chị nói.
Theo trung tá Lưu Minh Sỹ, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an quận 1, lực lượng kiểm soát ở 10 chốt trên địa bàn quận làm việc từ 6h đến 22h, kiểm tra tất cả người, xe đi qua. Những trường hợp không hoạt động công vụ, mục đích thiết yếu sẽ xử lý nghiêm. Thời gian từ 22h đến 6h hôm sau, tổ công tác 363 tuần tra các tuyến phố kiểm tra người đi đường và phòng chống tội phạm.
"Trong khoảng hơn một giờ tuần tra, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân chấp hành, không ra khỏi nhà. Các con đường vắng vẻ, chỉ có xe công vụ, xe chở hàng thiết yếu", trung tá Sỹ cho biết.
Cách chốt ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 7 km, tại chốt kiểm soát đường Phan Văn Trị đoạn qua giao lộ Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), hàng rào thép được dựng ngang đường, chặn toàn bộ các loại xe chạy qua. Ngoài xe cấp cứu, chở rác, xe công vụ... các phương tiện khác khi tới đây đều phải quay đầu.
Phần lớn người đến chốt kiểm soát trình bày đi làm, giao hàng về trễ, không kịp 18h khi TP HCM thực hiện lệnh cấm ra đường. Một số trường hợp có giấy xác nhận, thời gian, địa chỉ làm việc... được lực lượng chức năng cho qua chốt và nhắc nhở nếu tái phạm sẽ bị xử phạt. Một số người không đưa ra được lý do bị tổ kiểm soát lập biên bản xử lý.
"Hiện ngoài 12 chốt kiểm soát chính được quận duy trì liên tục. Các phường cũng lập thêm nhiều chốt nhỏ khác, thắt chặt giám sát người dân ra đường để phòng dịch", Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng nói và cho biết những người thực sự lỡ đường cần về nhà sẽ được xem xét cho qua các chốt.
Yêu cầu người dân không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau, thực hiện từ hôm nay, được Hội nghị Thành ủy TP HCM lần 7 thống nhất vào tối qua. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết dù thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng một số địa bàn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi trên đường.
"Tình trạng này rất nguy hiểm, là nguyên nhân khiến dịch kéo dài. Nếu không kiểm soát dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc thành phố áp dụng những biện pháp mạnh và cao hơn", ông Phong nói.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, trong hai tuần tới ngoài việc tuân thủ giãn cách, thành phố sẽ cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân; đảm bảo hoạt động hệ thống y tế, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, đặc biệt điều trị bệnh nhân Covid-19...
Chiều nay, UBND TP HCM có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp được ra đường sau 18h, gồm: cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan, chính quyền địa phương; phóng viên, biên tập viên cơ quan báo đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo;
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; xe chở hàng thiết yếu, đưa đón lực lượng làm nhiệm vụ phòng dịch; xe chở công nhân tại các doanh nghiệp thực hiện "một cung đường - 2 điểm đến"; xe chở vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố.
Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, các địa phương triển khai phát phiếu theo hộ gia đình theo ngày chẵn, lẻ; chia khung giờ đi mua để giảm tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người.
Đến tối nay, TP HCM đã trải qua 18 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đã ghi nhận hơn 64.400 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư.
Gia Minh - Hà An