Số ca nhiễm hôm qua của cả nước là 8.622, tại 38 tỉnh thành, cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong đó, 6.920 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa; 1.702 ca đang điều tra dịch tễ.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể gia tăng nhanh. Với các tỉnh, thành phố phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội "chỉ làm phẳng hóa đường cong lây nhiễm".
Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương về chống Covid-19 ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP HCM và các tỉnh đang có dịch bùng phát có giải pháp giảm tối đa ca tử vong, kiềm chế đỉnh dịch.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các địa phương cách ly, giãn cách chặt chẽ, nhưng phải hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; đáp ứng yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.
Hà Nội đến nay đã trải qua một tuần cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết tình hình dịch bệnh hiện "rất khó đánh giá". Thành phố còn nhiều ca nhiễm "lỗ mỗ" trong cộng đồng, rải rác ở nhiều quận, huyện. Tình huống này đã được dự báo, vẫn kiểm soát được.
"Sẽ tiếp tục có thêm nhiều F0 được phát hiện thông qua xét nghiệm người ho sốt, nhiều ca chưa rõ nguồn lây nên chưa thể dự báo thời điểm nào khống chế được. Hiện, cơ quan chức năng tăng cường lấy mẫu, truy vết đến cùng", ông Tuấn nói.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến mới, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Bệnh viện được xây dựng tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh viện rộng 3,5 ha, quy mô 500 giường, có lối đi riêng biệt cho bệnh nhân và nhiều cây xanh để khuôn viên thông thoáng. Bệnh viện dự kiến huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế gồm 272 bác sĩ và 680 điều dưỡng. Lực lượng nòng cốt là từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện do Bộ Y tế hỗ trợ.
Bệnh viện xây từ đầu theo tiêu chuẩn điều trị ICU, khu dinh dưỡng, xét nghiệm, điều trị riêng biệt nhằm đảm bảo vô trùng, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo. "Đây là công trình cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, dự kiến hoàn thiện sau một tháng khởi công, tức cuối tháng 8", ông Hiếu nói.
Tại TP HCM, trong cuộc làm việc với thành phố về phòng chống dịch bệnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: "Thành phố cần rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách mật độ dân cư khi đường phố còn đông. Thực hiện không nghiêm, không kiên quyết sẽ không giải quyết được vấn đề", ông Phúc nói và cho rằng TP HCM kéo dài cách ly xã hội thêm một thời gian là cần thiết.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết đến nay, TP HCM trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16. Riêng 19 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP HCM phát hiện bình quân 3.385 ca nhiễm mỗi ngày, phần lớn ở trong khu cách ly, phong tỏa.
Thành phố đã chữa khỏi hơn 25.189 bệnh nhân và đang điều trị 36.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 875 bệnh nhân thở máy và 8 người phải can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.
"Hiện, dù tốc độ tăng ca nhiễm đã chậm lại, số ca mắc hàng ngày vẫn lớn vì dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Việc kiểm soát được dịch sẽ mất hàng tháng nên thành phố có thể kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8", ông Phong nói.
Về các giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố cho biết sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống oxy dòng cao, máy thở hiện đại vào sử dụng sớm, tránh F0 chuyển biến suy hô hấp nặng, liên thông các tầng điều trị 3, 4, 5 để chăm sóc, vận chuyển bệnh nhân tốt hơn.
Tại Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, thành phố sẽ thực hiện các biện pháp "mạnh hơn, cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng", bắt đầu từ 18h ngày 31/7.
Quyết sách trên được đưa ra trong bối cảnh 20 ngày qua Đà Nẵng ghi nhận 568 ca Covid-19; nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng liên tiếp được phát hiện; nhiều bệnh nhân chưa rõ nguồn lây; 47/56 xã, phường ở Đà Nẵng đã có người nhiễm nCoV đặt thành phố vào mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Ông Quảng nói, thực tế hai tháng qua Đà Nẵng ban hành nhiều biện pháp chống dịch tương đương với Chỉ thị 16. Thời gian tới, thành phố sẽ áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.