Đà Nẵng là nơi đón 85% các chuyến bay đưa người Việt hồi hương. Từ tháng 4 đến cuối tháng 5, con số này là hơn 8.000 người, trong đó nhiều người mắc Covid-19 và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nhiều tháng qua liên tục khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, dù thành phố không có dịch.
Chiều 3/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng phải phong tỏa, khi kết quả xét nghiệm nam thanh niên nhân viên bán vé massage của khách sạn Phú An (quận Hải Châu), dương tính nCoV. Những hàng rào và dây cảnh báo "khu vực cấm vào" được dựng lên ở nhiều nơi. Thành phố bắt tay vào chống dịch.
Một ngày sau, chính quyền Đà Nẵng yêu cầu dừng toàn bộ các lễ hội, nghi lễ tôn giáo; các dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, message; cấm tắm biển; tụ tập quá 30 người. Hơn 340.000 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông toàn thành phố nghỉ học. Ngay sáng hôm sau, bãi biển vốn đông đúc trước đây đã không một bóng người.
Trung tâm hành chính Đà Nẵng giám sát thân nhiệt tự động, làm tờ khai y tế. Hơn 1.100 công chức, viên chức làm việc trong toà nhà Trung tâm hành chính được yêu cầu chia ca, đến trụ sở bằng 50% quân số, khi thành phố ghi nhận F1 là lãnh đạo Sở Tư pháp.
Nhân viên y tế, người bệnh trên địa bàn thành phố được xét nghiệm sàng lọc Covid-19 hàng tuần, chỉ những ca bệnh nặng mới cho người thân vào chăm sóc...
Nhiều khu du lịch dù thành phố không yêu cầu dừng hoạt động nhưng đã chủ động đóng cửa. "Nhờ những bài học kinh nghiệm trước đây, Đà Nẵng đã có quy trình cụ thể để chống dịch, bao gồm việc dừng ngay các lễ hội và các hoạt động tập trung đông người để đề phong nguy cơ lây nhiễm diện rộng", Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến nói.
Duy trì nguyên tắc khẩn trương truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, thành phố lập tức cho phong toả những khu vực ghi nhận ca nhiễm mới để xét nghiệm toàn bộ cư dân. Sống trong khu chung cư 12T3 (quận Sơn Trà), bị phong toả vì có ca mắc Covid-19, anh Hoàng Khánh Hưng, Trưởng phòng Thông tin - xuất bản - báo chí (Sở Thông tin và Truyền thông), nói "công việc tạm thời xử lý qua mạng, thực phẩm được chính quyền hỗ trợ thêm".
Thành phố nâng cấp độ chống dịch bằng việc cấm các cửa hàng ăn, uống bán ăn tại chỗ, khuyến khích bán mang đi, từ trưa 7/5, khi ghi nhận 9 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan đến khách sạn Phú An và vũ trường New Phương Đông. Qua khảo sát cho thấy biện pháp này được người dân nghiêm túc chấp hành. Những cửa hàng bán mang đi cũng ít khách vì nhiều người dân chủ động ăn uống tại nhà.
Những quyết định của Đà Nẵng dù chưa ở mức giãn cách xã hội, nhưng người dân đã hạn chế ra đường. Quán Trà chanh Cộng trên đường Hoàng Hoa Thám vốn đông nghịt giới trẻ vào buổi tối khi chưa có dịch, nay chỉ vài người mua mang về. "Em theo dõi tình hình dịch để cân nhắc việc đóng cửa vì ít người mua và cho nhân viên nghỉ để hạn chế tiếp xúc", chị Mai Thảo, chủ quán nói.
Ngày 8/5, người dân Đà Nẵng quay lại đi chợ bằng "tem phiếu". Mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ để đi chợ trong vòng 15 ngày (ba ngày một lần). Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng một lần ở bất kỳ chợ nào trên địa bàn thành phố.
Đã hình thành thói quen đi chợ theo ngày từ lần dịch trước, anh Dương (42 tuổi, trú quận Sơn Trà), cho biết không vất vả trong việc tích trữ thực phẩm. "Tôi chỉ đi chợ mua thực phẩm vừa đủ, nếu phát sinh gì thì đi siêu thị, tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn và đứng giãn cách", anh nói.
Cán bộ, nhân viên y tế từ cấp quận đến cấp phường bất kể ngày đêm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà khi có thông tin ca nhiễm mới để nhanh chóng truy vết F1, F2. "Mỗi đội truy vết đều có một chiến sĩ công an để đảm bảo việc lấy thông tin đúng và đủ. Khi tiếp cận F1 thì điều tra luôn thông tin về F2, F3 để khi F1 thành F0 sẽ nhanh chóng chuyển F2 xuống F1 và đưa đi cách ly tập trung", bà Hồ Đàm Như Nga, Chủ tịch UBND phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), nói.
Số ca nhiễm ở Đà Nẵng lên đến 31 trong ngày 9/5, liên quan đến nhân viên Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA. Sau đó, chuỗi lây nhiễm liên quan đến vũ trường New Phương Đông và thẩm mỹ viện AMIDA không ngừng tăng lên. Trên mạng xã hội xuất hiện thông tin "Đà Nẵng chuẩn bị tinh thần giãn cách xã hội theo chỉ thị 16". Lãnh đạo thành phố đã lập tức lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Khi các trường hợp nghi nhiễm mới (chủ yếu là F1 của các ca mắc Covid-19 trước đó) được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, đến chiều 11/5, nữ nhân viên tổng đài của Công ty Trường Minh ghi nhận dương tính và không rõ nguồn lây. 33 F1 cùng nơi làm việc với nữ nhân viên này cũng dương tính nCoV đã dấy lên nguy cơ mới.
Ngay trong đêm, thành phố phong tỏa khu công nghiệp An Đồn (nơi Công ty Trường Minh đặt trụ sở). Nhân viên y tế được huy động lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân và các hộ dân trước cổng khu công nghiệp. 11.000 mẫu xét nghiệm cộng đồng có kết quả âm tính vào hôm sau. Các trường hợp F1 được đưa đi cách ly ngay.
"Cũng có ý kiến cho rằng phải đóng cửa một số khu công nghiệp, nhưng quan điểm của lãnh đạo Thành ủy là không đồng ý vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Bây giờ việc cần làm là vừa đảm bảo sản xuất, vừa kiểm soát được dịch", ông Quảng nói, đồng thời yêu cầu siết chặt quy trình phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp, trong công ty; xem xét trách nhiệm đơn vị nào để bùng dịch.
Diễn biến dịch nhanh và phức tạp khi chưa xác định được nguồn lây, không loại trừ còn ca bệnh trong cộng đồng, Đà Nẵng áp dụng xét nghiệm bằng phương pháp gộp từ 5 mẫu lên gộp 10 để tăng tốc truy vết. Ngày 13/5, ngành y tế xét nghiệm được 22.844 mẫu, cao nhất từ trước đến nay. Phương pháp này đã được Thủ tướng khen thưởng và đề nghị nhân rộng ra nhiều địa phương.
Có được "vũ khí" xét nghiệm thành công từ lần dịch trước, ngành y tế xét nghiệm mở rộng, từ tài xế taxi, tiểu thương ở các khu chợ, đại diện hộ gia đình,... đều được lấy mẫu. Nhiều người dân chủ động đi xét nghiệm ở trung tâm chẩn đoán y khoa tư nhân, khi biết mình từng tiếp xúc với các ca nhiễm mới. Từ ngày 3 đến 16/5, Đà Nẵng đã xét nghiệm tổng cộng 134.420 mẫu, qua đó phát hiện 135 ca dương tính nCoV (đã được Bộ Y tế công bố).
Con số mắc Covid-19 ở Đà Nẵng xu hướng giảm dần. Ngày 12/5, thành phố ghi nhận 42 ca, chủ yếu là F1 đã được cách ly, bốn ngày qua con số này giảm xuống từ 3 đến 12 ca. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố yêu cầu không chủ quan mà tiếp tục siết chặt các quy định phòng, chống dịch. Trong đó, từ ngày 13/5, Đà Nẵng cấm tụ tập quá 5 người nơi công cộng; từ 0h ngày 17/5, dừng hoạt động vận tải xe taxi, grabcar và grabBike, shipper.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng kêu gọi hơn 1,1 triệu người dân thành phố không nên ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết, nhất trong tình hình hiện nay việc lây nhiễm trong cộng đồng chưa đánh giá hết nguy cơ.
Ông cũng yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường xử lý những trường hợp người dân không đeo khẩu trang, khai báo y tế gian dối, tụ tập quá 5 người nơi công cộng,... để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Từ ngày 5 đến 16/5, lực lượng chức năng Đà Nẵng xử phạt 272 trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền 127,5 triệu đồng; con số này thấp hơn nhiều so với đợt dịch hồi tháng 7/2020, phần nào cho thấy ý thức tuân thủ khuyến cáo 5K của người dân thành phố đã được nâng lên.