Theo khảo sát thực hiện giữa tháng 6 và 8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại 93 trong số 130 nước tham gia bị gián đoạn nghiêm trọng. 83% các nước đưa sức khỏe tâm thần vào kế hoạch ứng phó Covid-19, song thực tế chỉ 17% có đủ kinh phí cần thiết.
"Đây là một khía cạnh bị lãng quên trong đại dịch", Giám đốc sức khỏe tâm thần của WHO Devora Kestel phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 5/10. Ông nhấn mạnh nhu cầu cấp bách tăng cường kinh phí cho các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Theo WHO, các nước chỉ chi dưới 2% ngân sách y tế quốc gia cho sức khỏe tâm thần trước khi Covid-19 bùng phát, song vẫn phải vật lộn để đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Hiện, nhu cầu đã tăng lên đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
"Mất người thân, bạn bè, bị cô lập, thu nhập giảm, nỗi sợ hãi đang châm ngòi các bệnh tâm lý, hoặc làm trầm trọng hơn những triệu chứng hiện có", WHO tuyên bố. "Nhiều người đang đối mặt với mất ngủ, lo lắng, sử dụng nhiều rượu và ma túy hơn".
Khảo sát của WHO cho thấy 30% quốc gia báo cáo công tác chăm sóc sức khỏe và cung cấp thuốc cho người bệnh bị gián đoạn. Các dịch vụ phòng ngừa bệnh tâm lý chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, việc tiếp cận cơ sở y tế của người dân cũng khó khăn hơn khi có lệnh hạn chế đi lại.
Song, các nước thu nhập cao vẫn đủ khả năng duy trì cung cấp dịch vụ. Nhiều quốc gia học cách ứng phó bằng giải pháp sáng tạo như điều trị từ xa.
WHO cho biết hiện chỉ dưới 10% các nước tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của Covid-19 tới sức khỏe não bộ, nhấn mạnh cần có thêm dữ liệu về điều này. Ước tính, chứng trầm cảm và lo âu ở người lao động khiến năng suất kinh tế sụt giảm gần 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Hôm 3/10, WHO tổ chức sự kiện "The Big Event for Mental Health" (Sự kiện Lớn nhất cho Sức khỏe Tâm thần) trên mạng xã hội, kêu gọi tăng đầu tư vào lĩnh vực này.
Lê Hằng (Theo Medical Express)