Ông Đăng bị trầm cảm 24 năm, tự sát không thành ba lần. Bác sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh, Khoa I, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết tình trạng trầm cảm của ông Đăng rất nặng, điều trị dài ngày.
Bệnh án ghi nhận người đàn ông vốn là lái xe cho một công ty vận tải tại Hà Nội. Năm 1996, công ty giải thể, ông thất nghiệp, đâm ra buồn chán, hụt hẫng, sa đà vào rượu, từ đó mắc trầm cảm. Gia đình động viên, đưa ông tới Bệnh viện Bạch Mai chữa trị. Sau hai tháng nhập viện, bệnh tình thuyên giảm, bác sĩ cho ra viện, điều trị ngoại trú.
Năm 2004, ông tái phát trầm cảm. Trong thời gian này, con trai mới sinh 27 ngày của ông mất đột ngột, ông trầm cảm nặng hơn, thường u uất. Có lần ông uống một lúc hai vốc đầy loại thuốc hàng ngày điều trị bệnh, ý đồ tự tử. Vợ ông kịp thời phát hiện, đưa tới Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Lần thứ hai, ông tuyệt thực 16 ngày mặc cho người nhà thuyết phục hết lời. Cơ thể gầy gò, hốc hác, nặng hơn 30 kg, ông cứ nằm yên một chỗ cho đến khi gần ngất xỉu thì được người nhà đưa đi Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu, ra viện sau 20 ngày điều trị.
Tháng 8, ông tự tử lần thứ ba bằng cách lấy mảnh sắt rạch cổ tay trái, được đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Ngày 1/9 ông vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị.
"Tôi tự nhiên cảm thấy buồn bã, ủ rũ, thui thủi một mình trong nhà, nghĩ chán đời... Tôi hay nói với vợ là 'anh sống chỉ làm gánh nặng cho em thôi'. Một khó khăn nhỏ bằng móng tay cũng nghĩ nó to ra, rồi nghĩ 'chết cho xong'", ông Đăng chia sẻ, ngày 25/9.
Bác sĩ Chỉnh cho biết ông Đăng trầm cảm ngày càng nặng do không tuân thủ uống thuốc theo toa bác sĩ khi về nhà điều trị ngoại trú. Về nguyên tắc điều trị, người bệnh trên 45 tuổi phải dùng thuốc chống trầm cảm cả đời. Thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, bệnh sẽ không bột phát nếu bệnh nhân không uống đủ thuốc.
Ông Đăng nhập viện Tâm thần Trung ương ngày 1/9 với tay trái bó nẹp, hiện sức khỏe tâm thần đã cải thiện hơn, khí sắc trầm trên gương mặt đã giảm. Tuy nhiên, ông chưa trở về trạng thái bình thường, chưa thể ngủ, vẫn còn buồn chán, bi quan, lo âu và còn ý tưởng kết thúc cuộc sống.
"Bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi hành vi, duy trì thuốc chống trầm cảm và kiểm tra tâm lý", bác sĩ Chỉnh cho biết phác đồ điều trị.
Theo bác sĩ Tô Thanh Phương, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, biểu hiện của bệnh trầm cảm rất đa dạng. Triệu chứng chung là buồn rầu, chán nản, bi quan, tuyệt vọng kéo dài hơn hai tuần. Ngoài ra, người bệnh còn giảm các ham muốn, sở thích cá nhân, hay mệt mỏi, giảm tập trung, do dự không quyết đoán, giảm tự tin, nghĩ về tương lai ảm đạm bi quan, rối loạn ý định và hành vi, rối loạn giấc ngủ, ăn uống kém...
Bệnh trầm cảm hình thành trong thời gian dài, thường xuất phát từ 4 nhóm nguyên nhân chính: nhân cách yếu hay mạnh; vấn đề gia đình; vấn đề kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường, ví dụ làm ăn thất bại, học tập áp lực, môi trường ô nhiễm, chơi game... Người mắc các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim, cũng có thể lâm vào tình trạng u uất, buồn chán.
6 tháng đầu mắc trầm cảm là thời gian vàng để chữa khỏi bệnh. Đây là giai đoạn cấp, người bệnh có thể trở về bình thường khi được điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian điều trị. Ngoài 6 tháng, bệnh chuyển mạn tính, quá trình điều trị dai dẳng, phức tạp hơn.
Người trầm cảm thường đến viện khám khi bệnh đã nặng do tâm lý e ngại, muốn giấu hoặc nhầm lẫn bệnh tâm thần với bệnh lý thần kinh khác. Một số ít trường hợp trầm cảm tái phát rồi trở nặng do tự ý bỏ điều trị, không tiếp tục uống thuốc, đưa đi cúng bái. Một bệnh nhân nữ, ở Thường Tín, Hà Nội, từng điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, là ví dụ. Cô gái sống với tâm trạng u uất dài ngày, gia đình cho rằng bị ma ám, đưa lên chùa cúng bái. Đến khi cô không thể ăn uống, thường xuyên nghiến răng, tự cắn môi đến chảy máu, gia đình mới đưa tới Bệnh viện Tâm thần trung ương I điều trị.
"Nếu để chậm hơn, cô gái này có thể tự sát. Sau một thời gian dài điều trị, cô ấy đã khỏi bệnh, lấy chồng rồi sinh con", bác sĩ Phương nói.
Bác sĩ Đinh Hữu Uân, phòng khám chuyên khoa tâm thần tại Hà Nội, cho biết trầm cảm khiến người bệnh mất ý chí muốn sống, không còn nghĩ tới tương lai và luôn muốn quyên sinh. 70% bệnh nhân tự sát có liên quan các bệnh lý rối loạn về tâm thần bao gồm trầm cảm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và góp phần lớn vào gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Bệnh có thể kéo dài hoặc tái phát, ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động và cuộc đời của một người.
Bác sĩ Uân khuyến cáo nên đến viện khám sức khỏe tâm thần khi có các dấu hiệu bất thường như bỏ ăn, không để ý đến ăn mặc hàng ngày, tính chất cảm xúc bất ổn, thường xuyên nổi nóng vô cớ, đe dọa, có xu hướng tự làm đau bản thân, chống đối gia đình và xã hội...
* Tên bệnh nhân được thay đổi.
Chi Lê