Đất nước 270 triệu dân ghi nhận 1,83 triệu ca dương tính, tính đến nay. Song các nhà dịch tễ học tin rằng quy mô thực sự của dịch không được báo cáo chính xác do thiếu xét nghiệm, truy vết không hiệu quả.
Nghiên cứu có sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực hiện trên cả nước này kể từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay. Kết quả cho thấy 15% người Indonesia đã nhiễm nCoV. Trong khi đó, số liệu chính thức chỉ ghi nhận tỷ lệ nhiễm bệnh là khoảng 0,4% ở cùng thời điểm. Hiện nay, chính phủ cho hay tổng số ca dương tính chiếm 0,7% dân số.
Pandu Riono, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Indonesia, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết kết quả không nằm ngoài dự đoán. Siti Nadia Tarmizi, quan chức cấp cao từ Bộ Y tế, thừa nhận có thể số ca nhiễm cao hơn báo cáo, bởi một số bệnh nhân không có triệu chứng nCoV. Song bà cho rằng công trình của Riono và WHO mới chỉ là sơ bộ. Theo Tarmizi, Indonesia có năng lực truy vết tiếp xúc thấp, thiếu phòng thí nghiệm để xử lý các mẫu bệnh phẩm.
Nghiên cứu của Riono dựa trên xét nghiệm huyết thanh, phát hiện cả người đang hoặc từng mắc bệnh, trong khi số liệu chính phủ phần lớn dựa vào xét nghiệm PCR, chỉ phát hiện được người dương tính ở thời điểm lấy mẫu. Các kháng thể phát triển từ một đến ba tuần sau khi nhiễm virus, lưu lại trong cơ thể nhiều tháng.
Nghiên cứu về tỷ lệ huyết thanh ở các nước khác, bao gồm Ấn Độ, cho thấy tình trạng tương tự.
"Hệ thống giám sát chính thức không thể phát hiện hết các ca Covid-19. Nó quá yếu. Indonesia thiếu năng lực xét nghiệm và truy vết, từ đó phát hiện được rất ít ca dương tính", thanh tra chính cho nghiên cứu của Pandu Riono, bà Tri Yunis Miko Wahyono, nhận định.
Theo ông Pandu, dù dịch bệnh lan rộng, Indonesia còn rất lâu mới đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Điều này cho thấy chiến dịch tiêm chủng là cần thiết. Số liệu của chính phủ cho thấy chỉ 6% trong số 181 triệu người được ưu tiên đã tiêm đầy đủ hai liều vaccine, 9,4% đã tiêm một liều.
Nghiên cứu khác về tỷ lệ kháng thể ở Bali, do Đại học Udayana thực hiện, cho thấy 17% số người được xét nghiệm vào tháng 9 và tháng 11 năm ngoái đã nhiễm nCoV. Con số cao gấp 53 lần dữ liệu chính thức. Indonesia đang lên kế hoạch mở cửa lại hòn đảo du lịch vào tháng tới. Ý tưởng này bị nhiều chuyên gia phản đối, đặc biệt là khi công tác truy vết, xét nghiệm và kiểm dịch không mấy hiệu quả.
Thục Linh (Theo Reuters)