Trung Quốc ngày 25/10 áp phong tỏa toàn bộ huyện Ejin với 35.700 dân của khu tự trị Nội Mông, cảnh báo sẽ truy tố hình sự những người không chấp hành. Biện pháp mạnh được đưa ra sau khi nước này tiếp tục ghi nhận 35 ca cộng đồng trong cụm dịch mới nhất ở phía bắc và tây bắc nước này.
Đây là đợt bùng phát mới nhất trong một loạt ổ dịch mà Trung Quốc ghi nhận tại các địa phương trong vài tháng qua, khi nước này vẫn quyết tâm duy trì chiến lược "không Covid" bằng các biện pháp phong tỏa, cách ly, truy vết mạnh và xét nghiệm diện rộng.
Tuy nhiên, việc các ổ dịch thỉnh thoảng xuất hiện, đi kèm với những biện pháp hạn chế gắt gao, đã khiến rất nhiều người dân Trung Quốc quyết định thắt chặt hầu bao, chú trọng tiết kiệm trong thời kỳ bất định, lo sợ một đợt bùng phát có thể nổ ra bất cứ lúc nào tại khu dân cư của mình.
Khác với Mỹ, nơi mức chi tiêu đang được phục hồi nhanh chóng sau làn sóng đại dịch, Trung Quốc ghi nhận sức mua của người dân tiếp tục sụt giảm. Số liệu gần đây nhất vào tháng 9 cho thấy doanh số bán lẻ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 8% trong cả năm 2019.
Bình luận viên Stella Yifan Xie của WSJ chỉ ra rằng ngoài tâm lý bất an thúc đẩy nhu cầu tiết kiệm của người dân, sức mua của Trung Quốc còn sụt giảm do nước này không bơm các gói kích cầu như Mỹ. Điều này trái ngược với chiến lược "lưu thông kép" mà các lãnh đạo Trung Quốc đề ra, trong đó chú trọng vào thị trường nội địa để giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu từ thị trường phương Tây.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Covid-19 đang ngày càng trở thành chướng ngại "gạt giò" chiến lược này của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch lại tăng đột biến do nhu cầu bùng nổ từ phương Tây đối với các sản phẩm như laptop, đồ nội thất và xe đạp.
Cùng với việc các cơ sở sản xuất khác tại châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, Trung Quốc dự kiến còn chiếm thị phần xuất khẩu toàn cầu lớn hơn nữa trong năm nay, sau khi đạt kỷ lục 15% vào năm ngoái.
Xuất khẩu tăng có thể duy trì tăng trưởng cho Trung Quốc giữa đại dịch, nhưng lại trái ngược với mục tiêu dài hạn hơn của nước này là tái cân bằng nền kinh tế, để không phải phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và bất động sản, lĩnh vực khiến vấn đề nợ của Trung Quốc ngày càng trầm trọng.
Sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc vào thị trường nước ngoài cũng có nguy cơ châm ngòi căng thẳng thương mại. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với thế giới năm ngoái lên mức cao nhất trong nhiều năm là 535 tỷ USD. Con số này với Mỹ là 317 tỷ USD, tăng 7% so với một năm trước đó. Tháng trước, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng lên mức kỷ lục hàng tháng là 42 tỷ USD.
"Covid-19 đã khoét sâu một số điểm mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc. Họ không thể lại để xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính", Sebastian Eckardt, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới ở Bắc Kinh, nhận định.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay được định hình từ chính sách cải cách vào những năm 1980, khi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình quyết định để các doanh nghiệp "tự thân vận động". Sự linh hoạt này, kết hợp với việc tạo ra hệ thống ngân hàng hiện đại, đã mở đường cho sự trỗi dậy của các công ty tư nhân.
Cùng với các khoản vay tự do, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bùng nổ. Cư dân từ vùng nông thôn đổ xô đến các nhà máy tư nhân, được xây dựng nhờ các khoản vay, dẫn đến hình thành tầng lớp trung lưu. Năm 1992, 27% dân số Trung Quốc sống trong các đô thị. Con số này tăng lên 61% vào năm 2020.
Sự gia tăng này thậm chí mạnh mẽ hơn vào năm 2009, giữa lúc toàn cầu đối mặt khủng hoảng tài chính. Để tránh suy thoái, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng rải tiền cho vay khắp nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khi bong bóng nợ tăng lên, các tòa nhà mới vẫn trống rỗng. Dù kinh tế phát triển bùng nổ, nhiều người Trung Quốc vẫn không kiếm đủ tiền mua nhà, hoặc số hàng hóa đang được tăng cường sản xuất.
Năm 2011, thế giới bắt đầu chú ý đến các "thành phố ma" và những cây cầu chơ vơ tại Trung Quốc, khiến các nhà kinh tế học tự hỏi khi nào bong bóng nợ sẽ vỡ. Trong nỗ lực xử lý vấn đề, giới chức để một số công ty vỡ nợ, yêu cầu chính quyền các địa phương đóng cửa những nhà máy thừa thãi, ngừng khai thác những mỏ than không còn cần thiết cho nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, áp lực lên bong bóng nợ của Trung Quốc hầu như không suy giảm.
Thêm vào đó, giới quan sát cảnh báo nếu không có sự biến chuyển liên tục các công việc sản xuất và xây dựng mới, hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc rời làng quê lên thành phố kiếm tiền sẽ không còn nhiều hy vọng.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 600 triệu dân nước này chỉ có khoảng 2.700 USD để tiêu mỗi năm. Cùng với giá nhà đất ở các thành phố lớn tăng vọt, nhiều người lo ngại rằng "Giấc mơ Trung Hoa" về viễn cảnh người nghèo cũng tham gia vào quá trình tăng trưởng nhanh chóng và hiện đại hóa của đất nước bắt đầu xa dần khỏi tầm với.
Trước những rủi ro đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã ưu tiên thúc đẩy nhu cầu nội địa trong hơn một thập kỷ qua. Nỗ lực này trở nên khẩn trương hơn vào năm ngoái, khi ông Tập đề ra kế hoạch "lưu thông trong nước", đưa tiêu dùng nội địa trở thành một trong những nguồn tăng trưởng chính của Trung Quốc, đồng thời giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, người tiêu dùng dường như không hưởng ứng.
"Covid-19 làm thay đổi tâm lý của người Trung Quốc, ảnh hưởng đến niềm tin tiêu dùng của họ", Iris Pang, nhà kinh tế học tại Ngân hàng ING ở Hong Kong, đánh giá.
* Lý do Trung Quốc kiên trì chiến lược 'không Covid'
Ngoài lo ngại những đợt bùng phát virus mới, nhiều người Trung Quốc còn nơm nớp về triển vọng thu nhập và việc làm khi chính quyền siết quy định đối với các ngành như công nghệ và dạy thêm, ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi tiêu của họ.
"Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc phụ thuộc vào lao động giá rẻ và những khoản vay khổng lồ từ các ngân hàng nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng, đổ tiền phát triển chung cư, nhà máy, cầu đường và các dự án khác với tốc độ ánh sáng. Bây giờ, đất nước cần mọi người thực sự sử dụng và trả tiền cho mọi thứ đã được xây dựng. Nhưng phần lớn người Trung Quốc thiếu thu nhập cần thiết để chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nhà nước sang nền kinh tế được duy trì nhờ sức mua của người tiêu dùng", bình luận viên Linette Lopez của Business Insider chỉ ra vấn đề.
Lopez cho rằng trong quá trình chuyển đổi mô hình nền kinh tế này, sức nặng của hệ thống cũ kỹ ngập trong nợ nần đang khiến Trung Quốc chao đảo, có nguy cơ khiến phần còn lại của nền kinh tế thế giới lao đao theo.
"Quả bom nợ" Evergrande được cho là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc đang gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD và bắt đầu thiếu tiền thanh toán cho các nhà đầu tư, làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Đây không phải công ty bất động sản Trung Quốc duy nhất rơi vào cảnh không thể huy động tiền. Hồi đầu tháng, nhà phát triển bất động sản cao cấp Fantasia Holdings vỡ nợ vì khoản thanh toán trái phiếu trị giá 206 triệu USD.
Nỗ lực cân bằng nền kinh tế Trung Quốc còn gặp khó khăn hơn do cuộc khủng hoảng năng lượng đột ngột bùng phát. Giá điện năm nay đã tăng hơn gấp đôi sau khi lệnh phong tỏa vì đại dịch được gỡ bỏ. Lượng than dự trữ lại sụt giảm vì làn sóng đóng cửa các mỏ theo yêu cầu của chính quyền. Giới chức còn khiến tình hình tồi tệ hơn khi cấm nhập khẩu than từ Australia trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng.
Hậu quả là các nhà máy tại 20 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc bị thiếu điện sản xuất. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, bao gồm Tesla và Apple, cho biết cuộc khủng hoảng sẽ gây tổn hại đến chuỗi cung ứng của họ.
Lopez cho rằng Trung Quốc sẽ được "giải vây" dễ dàng hơn nếu thế giới sẵn lòng hợp tác với họ. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương hay Biển Đông khiến Bắc Kinh dường như rơi vào thế cô lập. Hồi tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) quyết định đóng băng thỏa thuận đầu tư lớn với Trung Quốc, sau khi nước này trừng phạt các thành viên Nghị viện châu Âu lên tiếng cáo buộc họ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Vì vậy, Trung Quốc hiện nay dường như không còn lựa chọn thực tế nào khác ngoài giảm đà tăng trưởng. Tuy nhiên, việc này chắc chắn cũng sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc. Joyce Chang, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu toàn cầu của hãng tài chính JPMorgan, cho biết tăng trưởng của Trung Quốc giảm 1% đồng nghĩa với tăng trưởng toàn cầu giảm 0,5%.
Nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực xung quanh, như Đài Loan và Hàn Quốc, cùng các nhà cung cấp năng lượng và hàng hóa như Nga, Na Uy. Toàn bộ thế giới cũng sẽ cảm nhận được ảnh hưởng sâu sắc thông qua nguồn hàng xuất khẩu chậm hơn, đắt hơn.
Hơn nữa, hậu quả kinh tế gần như chắc chắn đi kèm biến động xã hội. Bình luận viên Lopez cho rằng trong suốt quá trình hiện đại hóa kinh tế và cải cách xã hội, tốc độ tăng trưởng nhanh là yếu tố giúp xã hội Trung Quốc ổn định.
"Nếu sức tăng trưởng đó suy giảm, sự ổn định xã hội cũng có thể bị tổn hại", Lopez nhận định, cảnh báo rằng điều này có thể ảnh hưởng đến trật tự kinh tế cũng như an ninh toàn cầu.
Ánh Ngọc (Theo Business Insider, WSJ)