Covax, sáng kiến chia sẻ vaccine của Liên Hợp Quốc, đang chạy đua với thời gian để cung cấp 800 triệu đến một tỷ liều vaccine cho các nước cho thu nhập thấp trước khi hết năm, sau khi phải tiếp tục cắt giảm mục tiêu chia sẻ vì một loạt trở ngại về nguồn cung và vận chuyển. Trên website của mình, Covax cho biết đến nay mới phân phối được 610 triệu liều vaccine cho 144 nước tham gia sáng kiến.
Hồi đầu tháng 9, các tổ chức điều hành chương trình Covax, gồm Liên minh Vaccine Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), từng phải thông báo cắt giảm 30% mục tiêu chia sẻ vaccine năm 2021.
Nhiều đơn đặt hàng trực tiếp của Covax với các nhà sản xuất vaccine trong nửa đầu năm nay bị trì hoãn và sáng kiến này ngày càng phải dựa vào nguồn tài trợ từ Mỹ và các nước giàu khác. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết chia sẻ 1,1 tỷ liều cho Covax, dù phần lớn trong số này phải chờ tới năm sau.
Quan chức của nhóm điều hành Covax tuần này nói họ không thể dự đoán chắc chắn bao nhiêu liều vaccine sẽ được phân phối trước ngày 1/1/2022.
"Con số đó có thể là hơn 800 triệu liều trước cuối năm nay", Richard Hatchett, giám đốc điều hành CEPI, nói.
Giám đốc vaccine của WHO Kate O’Brien cho biết họ hy vọng sớm đạt ngưỡng 800 triệu liều, nhưng thêm rằng vẫn có nhiều trở ngại và có thể phải lùi thời hạn tới đầu 2022.
"Chúng tôi chưa thể nói trước điều gì, nhưng đang nỗ lực hết sức, cố gắng suốt ngày đêm để phân phối càng nhiều lô vaccine càng tốt", O'Brien nói.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích cho rằng đây là bằng chứng Covax không thể đạt được những kỳ vọng mà chính sáng kiến này đặt ra trong những tháng đầu đại dịch.
"Covax đang không đạt được những mục tiêu khiêm tốn nhất, chứ chưa nói đến tham vọng tiêm chủng cho cả thế giới", Zain Rizvi, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen ở Mỹ, nói. "Thất bại này cho thấy khoảng cách giữa lời nói và thực tế của mục tiêu phân phối vaccine toàn cầu".
Hiện tại, khi chỉ còn 20 ngày nữa là kết thúc năm 2021, Covax vẫn cách mục tiêu thấp nhất khoảng 190 triệu liều. Đây không phải mục tiêu dễ dàng, dù số lượng vaccine phân phối hàng tháng đã tăng đều đặn từ tháng 9, với kỷ lục 150 triệu liều trong tháng 11, theo dữ liệu của UNICEF.
"Trong vài ngày qua, tôi nghĩ chúng tôi đã phân phối tới 11 triệu liều mỗi ngày", Hatchett nói.
Covax đã phải vật lộn với nhiều vấn đề nguồn cung kể từ khi thành lập. Sáng kiến đã tìm cách tập hợp nguồn lực để đặt hàng vaccine, đảm bảo rằng tất cả quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine để tiêm chủng cho nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Gần 200 quốc gia đã tham gia Covax với nguồn quỹ huy động lên tới hàng tỷ USD.
Dù ủng hộ Covax, nhiều nước giàu đã nhanh tay đặt hàng trước nguồn vaccine cho người dân, trước khi sáng kiến này có thể gây đủ quỹ để làm điều tương tự. Điều đó khiến Covax phải xếp sau trong danh sách chờ phân phối từ các nhà sản xuất vaccine.
Sau đó, nguồn cung vaccine của Covax tiếp tục gặp trở ngại khi Viện Huyết thanh Ấn Độ, một trong những nhà cung cấp chính cho sáng kiến, đã đình chỉ xuất khẩu khi làn sóng Delta tàn phá Ấn Độ.
Các quốc gia thu nhập thấp mới tiêm chủng 60 triệu liều vaccine cho đến nay, chiếm chưa đầy 1/5 trong tổng số 326 triệu liều tăng cường được phân phối ở hầu hết các nước thu nhập cao.
Một số vấn đề về nguồn cung của Covax kể từ đó đã giảm bớt, phần lớn do nguồn tài trợ từ các nước giàu và Ấn Độ nối lại xuất khẩu trong tháng 11. Tuy nhiên, các quan chức cho biết sáng kiến vẫn còn đối mặt nhiều thách thức lớn về vận chuyển và quản lý vaccine ở một số nước. Ngoài ra, những liều được chia sẻ thường đi kèm một số vấn đề, trong đó thời hạn sử dụng ngắn hơn.
James Krellenstein, đồng sáng lập tổ chức bình đẳng y tế PrEP4All, phàn nàn Covax đã nhiều lần "cắt giảm mục tiêu, nhưng không đạt được và lại cắt giảm".
Trước khi bắt đầu, Covax đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều. Hồi tháng 3/2020, quan chức Covax kêu gọi một hệ thống "cung cấp mức tối thiểu 1-2 tỷ liều vaccine mỗi năm trong thời gian tối thiểu ba năm". Trong một tuyên bố hồi tháng 5, Covax nói mục tiêu cung cấp hai tỷ liều trên toàn cầu năm 2021 "vẫn trong tầm tay".
Nhưng họ sớm phải thay đổi cam kết. Dự báo nguồn cung công bố ngày 8/9 cho biết Covax chỉ có thể cung cấp hơn 1,4 tỷ liều trong năm nay. Số liều phân phối dự kiến dường như lại tiếp tục cắt giảm vào tháng 11, khi báo cáo họp nội bộ công bố ngày 22/11 cho biết Covax đặt mục tiêu "vận chuyển từ 800 triệu đến 1 tỷ liều trước khi hết năm".
Covax cho biết vấn đề trước mắt không còn là nguồn cung, mà là hậu cần. Khoảng 1,2 tỷ liều đã được cung cấp cho Covax, nhưng không phải nước nào cũng sẵn sàng để tiếp nhận, theo O'Brien.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11, Seth Berkley, giám đốc điều hành của Gavi, cho hay vấn đề "khan hiếm nguồn cung" của Covax có thể tiếp tục kéo dài trong quý đầu tiên và thứ hai của năm 2022, dù tin mọi thứ sẽ được cải thiện sau đó.
Ngày 10/12, Gavi công bố thỏa thuận mới với Moderna, trong đó cung cấp 150 triệu liều bổ sung vào năm tới, còn 20 triệu liều ban đầu dự kiến vào năm 2022 sẽ được chuyển trước cuối năm nay.
Trong khi vấn đề nguồn cung vẫn là rào cản đối với Covax để hoàn thành mục tiêu phân phối vaccine toàn cầu, thông tin về biến chủng Omicron, được WHO xếp vào danh sách đáng lo ngại, có thể sẽ mang tới nhiều thách thức cho sáng kiến này.
O'Brien lo ngại Omicron có thể trở thành yếu tố khiến các nước một lần nữa chạy đua dự trữ vaccine, khiến nguồn cung càng thêm khó khăn.
"Mọi thứ có thể đổ bể rất nhanh, nếu một số quốc gia quyết định bắt đầu tích trữ vaccine cho riêng họ", O'Brien cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)