Theo công bố của Cơ quan Phát triển Không gian Mỹ (SDA), SpaceX sẽ sử dụng nhà máy lắp ráp vệ tinh Starlink ở Redmond, Washington, để chế tạo bốn vệ tinh trang bị cảm biến theo dõi tên lửa góc rộng bằng hồng ngoại. Cảm biến do một nhà thầu phụ cung cấp. Đây được xem là hợp đồng chế tạo vệ tinh cho chính phủ đầu tiên của công ty do Musk đứng đầu.
Trước đó, công ty công nghệ L3 Harris Technologies (trước đây là Harris Corporation), đã nhận được 193 triệu USD để xây dựng bốn vệ tinh khác. Cả L3 Harris và SpaceX dự kiến sẽ giao các vệ tinh để phóng vào mùa thu năm 2022.
Việc chế tạo loạt vệ tinh mới của SDA là một phần trong kế hoạch của cơ quan này nhằm xây dựng hệ thống phát hiện và theo dõi các loại tên lửa hiện đại, như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) - loại tên lửa được đánh giá có thể di chuyển khoảng cách xa, rất khó để theo dõi và đánh chặn.
Vào năm 2019, SpaceX cũng đã nhận 28 triệu USD từ Không quân Mỹ. Cơ quan này muốn sử dụng mạng vệ tinh Starlink để thử nghiệm các dịch vụ internet được mã hóa với một số máy bay quân sự. Tuy vậy, Không quân Mỹ hiện chưa đặt hàng bất kỳ vệ tinh Starlink nào cho riêng mình.
SpaceX đang thực hiện kế hoạch phóng hàng nghìn vệ tinh lên vũ trụ để phát sóng Internet tốc độ cao. Đầu tháng 9, công ty tiếp tục phóng thêm 60 vệ tinh Starlink, nâng tổng số thiết bị hoạt động trên "chòm sao" này lên 713 chiếc. Musk cho biết, công ty đã lên kế hoạch phóng thêm hàng trăm vệ tinh Starlink nữa vào những tháng tới trong nỗ lực hoàn thành mạng lưới ban đầu gồm 1.440 vệ tinh.
SpaceX có thể bắt đầu cung cấp dịch vụ mạng cho những khách hàng đầu tiên ở Bắc Mỹ vào cuối năm nay. Hiện, thử nghiệm Internet vệ tinh của Musk đã đạt tốc độ trên 100 megabit/giây.
Bảo Lâm (theo Reuters)