Kelly, nữ nhà văn Mỹ vừa mua một trang trại nhỏ ở Oregon, nơi có khung cảnh đẹp, giá cả phải chăng, chỉ cách thành phố 30 phút lái xe. Tất cả đều rất lý tưởng trừ việc trang trại không có Internet. Dân số nơi đây quá thưa, các nhà mạng không "thèm" kéo cáp quang đến.
Bình thường, đây không phải vấn đề lớn, nhưng trong bối cảnh đại dịch, Kelly phải ở nhà và cô cảm thấy không có Internet thật sự là tai hoạ. Mỗi khi cần làm việc, Kelly phải lái xe đến một nhà hàng trong thành phố để dùng nhờ Wi-Fi.
Theo Bloomberg, Mỹ là một trong những quốc gia phân hoá kỹ thuật số lớn nhất thế giới. Người nghèo ở vùng nông thôn ít có khả năng kết nối Internet băng thông rộng. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) ước tính có khoảng 20 triệu người không thể truy cập Internet tốc độ cao.
Sắp tới, những khu vực hẻo lánh như trang trại của Kelly sẽ ít phụ thuộc hơn vào hệ thống cáp quang truyền thống. Mạng Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk đã bắt đầu được thử nghiệm. Ngày 13/8, cộng đồng Reddit đã đăng những kết quả đầu tiên về tốc độ của Internet vệ tinh, trung bình khoảng 30 Mb/giây, cao nhất 60,24 Mb/giây. Mặc dù tốc độ chưa được như kỳ vọng, nó cũng đã đáp ứng được các hoạt động trực tuyến hàng ngày.
Ngoài Musk, tỷ phú Jeff Bezos cũng tham gia vào thị trường Internet vệ tinh. Ngày 30/7, dự án Kuiper của Amazon đã được FCC thông qua, đồng nghĩa với việc Starlink của Elon Musk và Kuiper của Jeff Bezos chính thức bước vào cuộc đua Internet vệ tinh.
Elon Musk có lợi thế dẫn đầu
Tháng 11/2018, FCC chấp thuận cho SpaceX phóng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Hiện tại, công ty mới phóng lên không gian khoảng 600 vệ tinh Starlink. Musk hy vọng trong tương lai, con số sẽ tăng lên khoảng 30.000. Trong giai đoạn 2019 - 2024, sẽ có khoảng 1.584 vệ tinh được triển khai. Trong quỹ đạo tầm thấp, cách trái đất 550 km, mạng lưới vệ tinh ba lớp khổng lồ đang được CEO SpaceX xây dựng.
Musk cho biết Starlink phù hợp hơn với những vùng nông thôn Mỹ, cũng như vùng sâu vùng xa trên khắp thế giới.
Tháng 6/2020, dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink cho phép dùng thử miễn phí. Ngay lập tức đã có hơn 700.000 người đăng ký. Trước lượng người dùng quan tâm ngoài mong đợi, SpaceX đã gửi yêu cầu lên FCC đề xuất tăng lượng thiết bị đầu cuối được cấp phép từ một triệu lên năm triệu máy.
Những người sống ở nông thôn đặc biệt mong chờ dự án Starlink sẽ được thương mại hóa. Mục tiêu cuối cùng của Musk là phát Internet cho toàn thế giới vào năm 2021, bao gồm cả dịch vụ Internet giá rẻ ở thành thị.
Amazon quyết tâm bám đuổi
Mặc dù được FCC phê duyệt dự án muộn hơn SpaceX, Amazon đang cho thấy quyết tâm của mình trong cuộc đua Internet vệ tinh. Jeff Bezos tuyên bố sẽ đầu tư 10 tỷ USD cho dự án Kuiper. Ông dự tính sẽ phóng 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp trước ngày 30/7/2029. Amazon dự kiến triển khai dự án trong 5 giai đoạn, dịch vụ Internet sẽ thương mại hoá sau khi phóng lên quỹ đạo 578 vệ tinh.
Amazon dự kiến bán Internet vệ tinh cho cả người dùng phổ thông lẫn doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại công ty vẫn chưa đưa ra các mốc thời gian cần thiết cho Kuiper. FCC cho biết Amazon vẫn chưa hoàn thành thiết kế vệ tinh. Đại diện công ty cho biết, Kuiper sẵn sàng hợp tác với mạng lưới Internet vệ tinh của Starlink. Đáp lại tuyên bố này, SpaceX phản đối quá trình FCC xem xét và cấp phép cho dự án Kuiper.
Một vấn đề quan trọng mà Jeff Bezos chưa giải quyết được trong cuộc đua này là các mảnh vỡ trong quỹ đạo. Trong khi Amazon nhấn mạnh rằng họ sẽ loại bỏ các vệ tinh của mình khỏi quỹ đạo trong vòng 355 ngày kể từ khi chúng hoàn thành sứ mệnh, SpaceX chỉ ra rằng Kuiper "không gửi bản phân tích rủi ro thương vong" về việc liệu các mảnh vỡ vệ tinh của Amazon có thể "sống sót" khi quay trở lại hay không. Một phần của phân tích đó sẽ là ước tính "xác suất thương vong về người". FCC cho biết Amazon sẽ phải trình bày sau này như một phần của kế hoạch giảm thiểu mảnh vỡ cuối cùng.
Tiềm năng của Internet vệ tinh
Đằng sau sự cạnh tranh khốc liệt là những khoản lợi nhuận khổng lồ của thị trường Internet vệ tinh. Musk từng tuyên bố đầy tham vọng rằng tổng doanh thu của Internet toàn cầu khoảng một nghìn tỷ USD mỗi năm và "Starlink" đang cố gắng giành 3 đến 5% thị phần. Doanh thu trung bình khoảng 30 - 50 tỷ USD, cao gấp khoảng 10 lần việc phóng tên lửa.
Các tỷ phú đang đặt cược tiền bạc và tương lai vào hai vấn đề: nhu cầu về Internet vệ tinh sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới, đặc biệt ở những thị trường mới như châu Phi và họ có thể giành được thị phần đáng kể của thị trường tiềm năng này bằng cách sử dụng vệ tinh quỹ đạo thấp.
Chad Anderson, CEO của công ty đầu tư mạo hiểm Space Angels, cho biết lĩnh vực Internet vệ tinh nhận được sự quan tâm của không quá 10 công ty cho đến khi SpaceX giành được hợp đồng vào năm 2009 với NASA. Kể từ đó, hơn 435 công ty vũ trụ đã nhận được 20 tỷ USD cho các dự án khởi nghiệp.
Anderson tin rằng cuộc chạy đua không gian đang bước vào một giai đoạn mới do Musk và Bezos dẫn đầu. Cả hai đều sở hữu các công ty tên lửa cũng như các công nghệ mới giúp hiện thực hoá giấc mơ của nhiều người. "Không nhiều công ty viễn thông lớn có đủ tiềm năng để tồn tại trong thời gian dài. Phần lớn các công ty khởi nghiệp đã biến mất sau khi 'nướng' một khoản tiền lớn vào cuộc đua này", Anderson nói với Financial Time.
Musk và Bezos đã cạnh tranh với nhau trong 20 năm qua, từ công nghệ hàng không vũ trụ đến xe tự lái. Internet vệ tinh sẽ là chiến trường tiếp theo của hai tỷ phú công nghệ. Hiện tại, dự án Starlink của SpaceX dẫn đầu thị trường còn Kuiper của Amazon đang cố gắng để không bị bỏ lại. Trong khi SpaceX đang đẩy nhanh kế hoạch phóng các lô vệ tinh, tăng cường thiết bị đầu cuối và bắt đầu cho người dân dùng thử, các kế hoạch của Amazon vẫn còn nằm trên giấy và bị phản đối bởi giới công nghệ.
Ngoài SpaceX và Amazon, Facebook cũng có kế hoạch tham gia vào thị trường này. Công ty truyền thông OneWeb có trụ sở tại Anh hiện có 74 vệ tinh trên quỹ đạo. Trước đó, họ đã nộp đơn lên FCC, yêu cầu được bổ sung số lượng vệ tinh trên quỹ đạo lên 48.000 chiếc.
Khương Nha