Với 2,94 terabyte dữ liệu, Hồ sơ Pandora được xem là đợt rò rỉ dữ liệu về công ty offshore (mô hình công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài) quy mô lớn nhất lịch sử, liên quan đến giới siêu giàu tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. 35 lãnh đạo thế giới, hơn 300 quan chức tại hơn 90 nước, cùng hơn 100 tỷ phú, người nổi tiếng và lãnh đạo doanh nghiệp có tên trong Hồ sơ Pandora.
Công ty luật Panama Aleman, Cordero, Galindo & Lee, hay còn gọi là Alcogal, được cho là tâm điểm trong gần 12 triệu tài liệu do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) thu thập từ 14 hãng dịch vụ tài chính. Nhiều hồ sơ cho thấy hãng luật này liên quan đến việc thành lập những công ty bình phong tại các "thiên đường thuế" để chuyển tiền cho nhiều người có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Gần một nửa số chính trị gia xuất hiện trong Hồ sơ Pandora là khách hàng của Alcogal, bao gồm Vua Jordan Abdullah II, Thủ tướng Czech Andrej Babis, Tổng thống Montenegro Milo Djukanovic, ba cựu tổng thống Panama, cùng một ứng viên tổng thống Honduras và một cựu tổng thống Ecuador.
Alcogal được thành lập vào những năm 1980, với một trong những người đồng sáng lập là cựu đại sứ Panama tại Mỹ Jaime Aleman Healy. Theo ICIJ, công ty luật này "đóng vai trò hàng đầu trong đường dây trốn thuế và bảo vệ tài sản".
"Trong ba thập kỷ qua, Alcogal đã trở thành thỏi nam châm thu hút những người giàu có và quyền lực tại Mỹ Latinh, cùng nhiều khu vực khác, tìm đến để giấu tài sản ở nước ngoài. Những công ty như Alcogal đã thúc đẩy nền kinh tế ngầm, giúp các khách hàng giàu có tìm nơi giấu tiền, tránh những con mắt của những người truy thu thuế và điều tra tội phạm. Trong khi đó, những người bình thường phải trả giá", báo cáo của ICIJ có đoạn.
Để dẫn chứng, ICIJ cáo buộc Alcogal thành lập hơn 200 công ty bình phong cho ngân hàng Banca Privada d'Andorra, bao gồm một số công ty sau đó được sử dụng để che giấu hành vi tham nhũng ở Venezuela. Mỹ đã đưa Banca Privada d'Andorra vào danh sách đen do lo ngại nạn rửa tiền, trong khi Alcogal tự cắt đứt liên hệ với ngân hàng này.
Theo ICIJ, Alcogal cũng từng hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng trong một số bê bối tài chính gây chấn động trong thập kỷ qua, bao gồm âm mưu hối lộ liên quan đến công ty xây dựng Brazil Odebrecht và vụ tham nhũng bóng đá có tên "Fifagate".
Trong một báo cáo, ICIJ đã thống kê 14.000 thực thể offshore tại Panama, Belize và Quần đảo Virgin thuộc Anh được thành lập nhờ sự hỗ trợ từ Alcogal, trong nỗ lực giấu tài sản cho khoảng 15.000 khách hàng kể từ năm 1996. Trong Hồ sơ Pandora, gần hai triệu tài liệu bị rò rỉ liên quan đến Alcogal. Hầu hết tài liệu về công dân Tây Ban Nha và Mỹ Latinh đều có tên hãng luật này.
Thanh tra thuế Tây Ban Nha Jose Maria Pealaez giải thích rằng các công ty luật là "bên trung gian thiết yếu để các thiên đường thuế vận hành". "Nếu không có họ và các ngân hàng, việc đưa tiền đến Quần đảo Bahamas hay Quần đảo Virgin là không tưởng", Pealaez cho hay.
Sau khi Hồ sơ Pandora được công bố, Alcogal ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc về những giao dịch mờ ám, đồng thời cho biết họ đang xem xét thực hiện hành động pháp lý để bảo vệ uy tín "một cách mạnh mẽ khi cần thiết", sẵn sàng hợp tác với giới chức để điều tra bất kỳ điểm bất thường nào.
Một số chính trị gia có tên trong Hồ sơ Pandora cũng đã lên tiếng phản bác, bao gồm cựu tổng thống Panama Ricardo Martinelli. Ông phủ nhận liên quan đến bất cứ hành vi trái pháp luật nào. Thủ tướng Czech Babis cũng ra tuyên bố tương tự.
"Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì bất hợp pháp hay sai trái", Babis viết trong bài đăng trên Twitter, đồng thời gọi những tiết lộ trong Hồ sơ Pandora là nỗ lực bôi nhọ nhằm gây ảnh hưởng bầu cử.
Giới quan sát nhận định Hồ sơ Pandora có thể làm tổn hại thêm uy tín của Panama, khi hình ảnh của quốc gia Trung Mỹ này vốn chịu ảnh hưởng nặng nề vì vụ Hồ sơ Panama vào năm 2016. Các giao dịch tài chính của hơn 120 chính trị gia cùng hàng loạt tỷ phú, người nổi tiếng đã bị tiết lộ trong bê bối này, với số dữ liệu bị rò rỉ lên tới 2,6 terabyte.
Chính phủ Panama đã gửi thư cho ICIJ thông qua một công ty luật và nội dung được truyền thông địa phương tiết lộ. Trong thư, giới chức Panama tỏ ra lo lắng về tầm ảnh hưởng của Hồ sơ Pandora.
Họ cảnh báo mọi tài liệu bị phát tán có nguy cơ củng cố "nhận thức sai lầm" rằng Panama là nơi trốn thuế tiềm năng đều "sẽ gây những hậu quả tàn khốc đối với đất nước và người dân Panama". "Thiệt hại có khả năng không thể khắc phục được", chính phủ Panama cho biết.
Bức thư cũng đề cập đến một số cải cách mà Panama đã thực hiện trong những năm gần đây, dù nước này vẫn nằm trong danh sách "thiên đường thuế" của Liên minh châu Âu (EU).
"Panama của năm 2016 không hề giống với Panama hiện nay", bức thư có đoạn.
Ánh Ngọc (Theo AFP)