Thứ ba, 28/1/2025
Thứ năm, 13/5/2021, 05:32 (GMT+7)

Công trường xây dựng đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất

TP HCM600 công nhân làm cả ngày lẫn đêm để kịp đưa 8 đường lăn vào khai thác cuối năm nay nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau 2 tháng thi công đồng loạt, dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 2 đạt khoảng 35% tiến độ. Giai đoạn một sửa chữa đường băng 25R/07L đã xong đầu năm nay. Giai đoạn 2 gồm một số hạng mục xây dựng đường lăn, làm các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước...

Hiện, các công nhân, kỹ sư cùng máy móc, phương tiện... thi công tập trung xây mới 2 đường lăn thoát nhanh, một đường lăn song song và cải tạo 5 đường lăn nối cùng các nút giao hiện hữu. Bên cạnh công trường, các hoạt động khác tại sân bay vẫn diễn ra bình thường.

Cần cẩu liên tục đào đất để xử lý nền, chất lên xe ben chở đi. Để làm các đường lăn mới, nhà thầu xử lý nền đất, sau đó đắp cát, cấp phối đá dăm và đổ bêtông.

Trên công trường có khoảng 60 loại máy móc, chia làm ba ca thi công ngày đêm. "Việc xây dựng được yêu cầu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình và không ảnh hưởng hoạt động khai thác của sân bay", Ông Trần Bình An, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, thuộc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thay Bộ Giao thông Vận tải quản lý) nói.

Hàng chục công nhân cùng máy móc đang làm hệ thống cống hộp thoát nước dưới độ sâu gần 4 m. Các công đoạn được thực hiện theo yêu cầu của kỹ sư, đơn vị giám sát.

Hệ thống thoát nước cũ sẽ được lấp lại trong quá trình thi công. Do ảnh hưởng Covid-19, số chuyến bay tại Tân Sơn Nhất giảm là điều kiện thuận lợi để làm sớm các đường lăn.

Cách đó khoảng 3 km, một phần đường lăn đang dần hoàn thiện, đã đến giai đoạn đổ bêtông sau khi xử lý nền xong.

Tại đường lăn đang thi công, đơn vị khai thác bay đặt chữ X để phi công khi hạ cánh xuống có thể nhận biết từ khoảng cách 3 dặm bay. Đây là quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO).

Xe cẩu đặt những mảng sắt thép vào đúng vị trí sẽ đổ bêtông làm đường lăn. Theo thiết kế, nhà thầu sẽ đổ hai lớp bêtông, dày 78 cm.

Gần đó, anh Lê Văn Hùng hàn những kết cấu sắt để chống nứt trước khi đổ bêtông. Quá trình đổ được yêu cầu nhiệt độ không quá 35 độ C nên thường làm vào ban đêm.

"Việc thi công các hạng mục trong sân bay đòi hỏi về kỹ thuật và sự an toàn rất cao nên ai cũng cố gắng tập trung làm việc để hoàn thành nhiệm vụ", anh Hùng nói.

Sau khi đổ bêtông, mặt bằng sẽ được phủ bao bố kín và tưới nước để làm mát, bảo dưỡng chất lượng. "Dùng bao bố che lại để tránh ánh nắng mặt trời ảnh hưởng tới công trình. Khoảng 10 ngày sau, lớp bao mới được bóc ra", chị Tâm nói khi đang xịt nước.

Trên đoạn đường lăn mới xong cơ bản, anh Doanh dùng máy cắt bêtông tạo thành các khe giãn nở. "Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng của cả nước nên tôi ráng hoàn thành tốt công việc, cũng là góp phần nhỏ cho sân bay không bị xuống cấp, sớm thoát cảnh quá tải", người đàn ông 47 tuổi nói.

Máy bay hạ cánh trên đường băng 25R/07L dài 3 km rộng 46 m vừa cải tạo xong đầu năm nay.

Dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn hai khi thi công xong, máy bay thoát ra khỏi các đường băng nhanh hơn, từ đó giảm thời gian chiếm dụng và giúp tăng năng lực cất, hạ cánh.

Quy hoạch đến năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm, song từ năm 2017 nơi này đã đón gần 40 triệu lượt. Cũng từ năm 2017, các đường băng sân bay bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng do phải khai thác vượt tần suất thiết kế. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại sân bay cả trong ra ngoài, đặc biệt các dịp lễ, Tết.

Quỳnh Trần - Gia Minh