Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan ngày 20/5 thông báo đang xin hội đồng thẩm phán ICC phát lệnh bắt với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh cùng nhiều quan chức cấp cao của hai bên, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.
Đây là kết quả từ cuộc điều tra của ICC bắt đầu từ tháng 12/2019 nhắm vào những hành động trong cuộc chiến năm 2014, các vụ bạo lực gần biên giới Israel - Gaza năm 2018 và chiến sự Israel - Hamas ở Gaza bắt đầu tháng 10/2023.
Đây là lần đầu tiên công tố viên trưởng của ICC xin lệnh bắt lãnh đạo một quốc gia được phương Tây hậu thuẫn. "Đây là hành động đáng chú ý", Wayne Jordash KC, luật sư luật quốc tế cố vấn cho Chính quyền Palestine, nói với FT. "ICC sẽ không còn bị coi là tòa án chỉ nhắm đến phe yếu thế nữa. Đây rõ ràng là di sản của Khan".

Công tố viên Karim Asad Ahmad Khan tuyên thệ nhậm chức tại ICC vào tháng 6/2021, ở trụ sở chính tại Hà Lan. Ảnh: ICC
Khan sinh năm 1970 tại Scotland, cha ông là người Pakistan còn mẹ là người Anh. Ông là thành viên cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya thiểu số. Ông theo học ngành luật tại Đại học King's College, London và đủ điều kiện hành nghề luật năm 1992.
Khan bước vào lĩnh vực luật quốc tế với vai trò cố vấn pháp lý văn phòng công tố viên Liên Hợp Quốc cho tòa xử tội ác chiến tranh ở Nam Tư và Rwanda từ năm 1997 đến 2001.
Ông thu hút sự chú ý khi là luật sư bào chữa chính cho cựu tổng thống Liberia Charles Taylor. Ông Taylor bị đưa ra xét xử vì tội ác chiến tranh tại Tòa đặc biệt về Sierra Leone được thiết lập ở The Hague, Hà Lan năm 2007. Tuy nhiên, ngay ngày đầu phiên tòa, Khan thông báo Taylor đã sa thải ông và lập tức rời khỏi phòng xử.
Ông sau đó tiếp tục tham gia nhiều vụ truy tố tại một số tòa án quốc tế với cả tư cách công tố viên, luật sư bào chữa cũng như cố vấn gia đình nạn nhân. Khan từng bào chữa cho phó tổng thống Kenya William Ruto, bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người liên quan bạo lực hậu bầu cử năm 2007 khiến 1.200 người thiệt mạng.
Vụ kiện bị đình chỉ năm 2016 do không đủ bằng chứng và được coi là "biểu tượng" với cả ông Khan và ICC, theo một luật sư cấp cao người Anh. Nó thể hiện ICC không có động cơ chính trị nhằm vào châu Phi, vốn là cáo buộc tòa án thường xuyên phải đối mặt, bởi đa số vụ kiện liên quan các quốc gia tại khu vực này.
Năm 2018, Khan được bổ nhiệm lãnh đạo UNITAD, nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc điều tra tội ác của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. Năm 2021, ông được bầu làm công tố viên trưởng ICC, kế nhiệm Fatou Bensouda. Tên ông không có trong danh sách ứng viên rút gọn ban đầu và được thêm vào phần nào nhờ quyết tâm từ chính phủ Kenya. Mỹ, dù không phải thành viên ICC, cũng dành sự ủng hộ cho Khan.
Khi được hỏi về việc vừa là công tố viên vừa là luật sư bào chữa, Khan trả lời rằng điều đó sẽ giúp các luật sư "vững lập trường", tránh bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ như "luật sư bào chữa là hiện thân của ác quỷ, còn công tố viên làm 'công việc của Thượng đế'".
Ông Khan khao khát mang lại công lý cho tất cả, bất chấp tác động từ bên ngoài. "Rất nguy hiểm nếu thuận theo yêu cầu từ số đông. Điều quan trọng là phải theo các bằng chứng", ông trả lời AFP năm 2022. "Nếu không áp dụng luật pháp công bằng, chúng ta sẽ tan rã như bao loài khác".

Công tố viên trưởng ICC Karim Khan phát biểu tại Bogota, Colombia ngày 25/4. Ảnh: AFP
"Karim Khan là một luật sư dứt khoát và thẳng thắn, điều tôi rất tôn trọng", Melanie O'Brien, giáo sư thỉnh giảng luật quốc tế tại Đại học Minnesota, Mỹ, nói. Công tố viên ICC "phải có sự cứng rắn nhất định vì bạn sẽ phải đối đầu với những người không đồng tình với mình nói riêng và với tòa án nói chung".
Điều này phần nào thể hiện khi Khan đề xuất lệnh bắt nhắm đến các lãnh đạo của cả Israel và Hamas. Sau động thái này, Khan và ICC đã phải đối mặt áp lực từ Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo đang cân nhắc mọi phương án, trong đó có trừng phạt tòa.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất mà Khan phải đối mặt là không có được sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên ICC, vốn có nghĩa vụ phải thực hiện bất kỳ lệnh bắt nào. Đây không phải chuyện chưa từng xảy ra. Năm 2009, ICC truy tố cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir, nhưng các nước châu Phi từ chối thực hiện lệnh bắt.
"Nếu lệnh bắt được phê chuẩn nhưng bị các nước phương Tây phớt lờ, ông Khan sẽ làm gì?", một quan chức chính phủ Anh nói. "Tất cả những gì ông ấy có là năng lực hùng biện cùng niềm tin rằng mình đang ở phía đúng của lịch sử".
Như Tâm (Theo AFP, Guardian)