Ông Tô Tuấn Anh - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc cho biết, trước khi đưa lên lưới sử dụng, ngành điện sẽ kiểm định chất lượng công tơ để phát hiện, loại bỏ số không đạt chất lượng.
Thống kê kiểm định nửa đầu năm 2020 của Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc cho thấy, trong hơn 31.000 công tơ 3 pha cảm ứng được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, 83,8% đạt chất lượng; trong 842.751 công tơ điện một pha cảm ứng, 91% đạt chất lượng.
Còn với công tơ đã được đưa vào sử dụng, theo quy định, sau 5 năm sẽ kiểm định lại (với công tơ cơ) và 3 năm (với công tơ điện tử). Theo ông Tuấn Anh, quy trình kiểm định đều được tiến hành tự động bất kể là công tơ kiểm định công tơ lần đầu hay kiểm định lại sau thời gian sử dụng.
Thiết bị kiểm định công tơ vận hành tự động và thu thập dữ liệu về phần mềm điều khiển, có cảnh báo khi công tơ không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường. Dữ liệu được lưu trữ, bảo mật kết quả tại máy chủ.
"Kiểm định viên không thể can thiệp vào quá trình kiểm định tự động. Công tơ đạt kiểm định sẽ được niêm phong, kẹp chì đảm bảo không thể can thiệp vào bên trong", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Với trường hợp kiểm định công tơ do khiếu nại khách hàng, ngành điện sẽ thoả thuận việc tháo lắp đưa đi kiểm định tại các trung tâm thí nghiệm điện tỉnh, thành phố. Nếu khách hàng vẫn chưa đồng ý với kết quả kiểm định lại và tiếp tục đề nghị kiểm tra, theo quy định, công tơ sẽ được các đơn vị quản lý công tơ niêm phong lại và cho tiến hành kiểm định đối chứng lại tại một đơn vị độc lập hoàn toàn tại địa phương. Đơn vị độc lập này thường là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tại địa bàn.
'Tỷ lệ hóa đơn điện sai sót nhỏ'
Tại cuộc làm việc chiều 30/6, ông Lê Văn Trang - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nhắc tới một số trường hợp sai sót trong ghi chỉ số hoá đơn tiền điện 90 triệu đồng tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Nghệ An hay Ninh Bình... Ông cho rằng, nếu tính trên gần 10,3 triệu khách hàng, những trường hợp trên chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
"Nhưng với ngành điện, một vụ việc sai sót hay 1.000 vụ thì đó cũng là sai sót của nhân viên điện lực. Chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm", ông Trang nói.
Qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, EVNNPC nhận 187.240 yêu cầu trong tháng 6 - cao điểm nắng nóng, trong đó 7,4% về chỉ số công tơ. Kết quả rà soát 266 trường hợp được khách hàng phản ánh đúng, điện lực sau khi kiểm tra đã truy thu, hoặc thoái hoàn theo quy định.
Ông thông tin thêm, các trường hợp sai sót trong ghi chỉ số công tơ vừa qua đã được đơn vị này xem xét trách nhiệm cá nhân, cán bộ quản lý và xử lý nghiêm theo quy định.
Hiện, EVNNPC quản lý khoảng 10,3 triệu công tơ, trong đó 75% công tơ vẫn ghi thủ công. Đại diện EVNNPC cho rằng, chỉ khi ứng dụng công nghệ 100% thì những sai sót trong ghi chỉ số mới không còn. Lộ trình 5 năm tới, 100% khu vực thành thị thuộc địa bàn quản lý của tổng công ty sẽ được thay thế hoàn toàn công tơ điện tử, và ở khu vực vùng sâu, vùng xa là 30%.
Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN cho hay, tập đoàn này đã có quyết định siết lại quy trình kinh doanh ghi chỉ số công tơ, lập hoá đơn tiền điện và thiết lập cảnh báo tự động nếu sản lượng tăng, giảm bất thường... Việc này nhằm giảm thiểu tối đa những sai sót không đáng có.
Anh Minh