Không thể phủ nhận HLV Park Hang-seo đã có công nâng tầm nhiều cầu thủ Việt như Văn Đức, Quang Hải, Hùng Dũng. Nhưng với cá nhân trường hợp của Công Phượng thì không.
Xét về vấn đề chuyên môn, với chiến thuật ưu tiên phòng thủ dưới thời HLV Park, nếu được lựa chọn vào sân thi đấu ngay từ đầu trận, Công Phượng thường xuyên đá cắm để nhằm mục đích quấy rối, phá sức đối phương. Thế nhưng, điều đó lại khiến cầu thủ này trở nên đơn độc mỗi khi có bóng.
Vì các đồng đội thường chủ động lùi sâu phòng ngự, nên khi các hậu vệ đội bạn áp sát, Công Phượng thường rất khó cầm bóng. Một phần cũng vì Công Phượng không mạnh trong khoản tì đè, che bóng. Với lối chơi này, Công Phượng thường bị thay ra vào khoảng phút thứ 60 bởi đã thực hiện xong ý đồ của HLV.
Còn trong trường hợp vào sân từ băng ghế dự bị, Công Phượng thường được sử dụng từ phút 70, khi đội tuyển bế tắc hoặc bị dẫn bàn với vị trí tiền đạo cánh. Vị trí này có vẻ phù hơn Công Phượng, nhưng vấn đề quan trọng lúc này lại là tâm lý của cầu thủ này. Gần đây, Công Phượng đã cải thiện rõ rệt nhiều điểm yếu như che bóng, tì đè, quan sát đồng đội di chuyển...
>> Tìm Công Phượng mới cho bóng đá Việt
Thế nên, theo tôi, dưới thời ông Park, Công Phượng chủ yếu hy sinh nhiều hơn là được nâng tầm, phát huy sở trường. Quan sát sau một thời gian, tôi nhận thấy những lời nhận xét cho rằng "Công Phượng chỉ biết cắm mặt vào bóng" là phiến diện. Dưới thời HLV Park, Phượng chơi đồng đội hơn rất nhiều và cũng hy sinh rất nhiều cho đội tuyển.
Ai cũng biết Công Phượng không giỏi đá cắm. Nhưng mỗi khi ngồi dự bị chiến lược, được vào sân từ phút 70, khả năng gây đột biến của cầu thủ này lại được thể hiện rõ rệt. Thật sự, mỗi khi đội tuyển Việt Nam bị dẫn bàn, rất nhiều người ngóng Phượng vào sân, kể cả các antifan, nhưng khi không có được phong độ tốt nhất, Phượng lại trở thành tâm điểm chỉ trích.
Dù thể hình, tốc độ, khả năng dứt điểm chưa thật sự tốt... nhưng ở đội tuyển hiện nay, có lẽ khó tìm được ai dám độc lập tác chiến, qua người nhiều như Công Phượng. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Phượng một mình đi bóng giữa bốn hậu vệ Nhật Bản mới dự World Cup, liệu còn ai dám làm điều này ở tuyển nữa? Người hy sinh không đồng nghĩa là kẻ kém cỏi hay phá hoại.
Vậy nên, câu hỏi "Công Phượng có xứng đáng giành suất đá chính ở vòng loại World Cup hay không?" xem ra không còn quá quan trọng nữa.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.