Hơn tháng qua, chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung, 32 tuổi, công nhân nhà máy Datalogic Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) chỉ làm đủ 48 giờ mỗi tuần, không còn tăng ca như trước. Công ty sản xuất theo chế độ hai ca ngày, đêm, thời gian 12 tiếng nên chị chỉ đi làm 4 ngày, sau đó nghỉ ba ngày.
"Không còn làm thêm nên thu nhập giảm hơn 30%", chị Dung nói. Do một mình nuôi con, chị phải tính lại các khoản chi tiêu để phù hợp khoản lương mới. Tuy nhiên, nữ công vẫn cảm thấy may mắn vì công ty duy trì nhiều khoản hỗ trợ. Sau 11 năm đi làm liên tục, chị tự động viên đây là thời gian bản thân nghỉ ngơi, dành thời gian cho con trai 13 tuổi.
Không may mắn như chị Dung, chị Nguyễn Thúy Vân, 23 tuổi, làm việc tại một công ty sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng cũng thuộc Khu công nghệ cao, vừa bị đưa vào danh sách cắt giảm lao động do công ty không bán được hàng, sản phẩm tồn kho nhiều.
"Công ty có chính sách phúc lợi tốt, tôi muốn gắn bó lâu dài nên khi nghe tin rất sốc", chị Vân nói. Những công nhân thuộc diện cắt giảm chỉ còn đi giờ hành chính 8 tiếng, không được tăng ca. Nhiều người phải lên ngồi ở phòng chờ, đợi xưởng nào cần việc thì đến hỗ trợ. Một số người nản nên chủ động nộp đơn nghỉ để kiếm việc khác.
"Tháng lương vừa rồi của tôi chỉ được 6 triệu đồng, giảm gần ba triệu đồng so với trước", chị Vân nói. Từ khi nghe tin bị đưa vào danh sách cắt giảm, nữ công nhân đã đi tìm việc mới nhưng chưa được nên cố gắng bám trụ đến ngày thương lượng chấm dứt hợp đồng, hy vọng được một khoản bồi thường.
Lý giải về việc phải giảm giờ sản xuất, ông Đặng Văn Chung, Tổng giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam, nói rằng sau dịch đơn đặt hàng thiết bị đọc mã vạch, cảm biến của doanh nghiệp rất nhiều nhưng nhà máy thiếu linh kiện để làm hàng. "Đây là tình trạng chung của hầu hết doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử do cung linh kiện không đủ cầu", ông Chung nói.
Để xoay xở, nhà máy Datalogic Việt Nam chấp nhận trả giá cao tìm được nguồn cung để đảm bảo tiến độ các đơn hàng. Nguồn ở đây có thể là những đơn vị trữ hàng từ trước dịch và bán với giá "chợ đen". Nếu trước giá cao gấp ba lần, giờ đây doanh nghiệp có thể phải chấp nhận tăng lên vài chục lần, hàng nhỏ giọt.
Theo ông Chung, linh kiện ít nên công ty phải điều tiết sản xuất đảm bảo mỗi công nhân đều được đi làm, ít nhất đủ 48 tiếng mỗi tuần để có thu nhập căn bản. Nhà máy sẽ không cắt giảm lao động và duy trì nhiều chính sách hỗ trợ để giữ người, chờ thị trường phục hồi.
Không chỉ ngành điện tử gặp khó, nửa cuối năm cũng là giai đoạn khó khăn của lao động dệt may khi doanh nghiệp giảm đơn hàng. Một số nhà máy phải sắp xếp cho công nhân nghỉ luân phiên. Bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nói đầu năm, các doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng nhưng thiếu lao động. Nhiều nhà máy phải tìm chỗ gia công bớt.
Sang quý 2, chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, giá dầu tăng, dịch bệnh... đã tác động thói quen tiêu dùng của con người trên toàn cầu. Sức mua các sản phẩm áo quần thời trang giảm mạnh, hàng tồn không bán được. Các nhãn hàng không ký đơn hàng mới. Một số nhà máy không có đơn hàng để làm buộc phải tính toán lại phương án lao động phù hợp như cho nghỉ thứ 7, sắp xếp công nhân nghỉ phép.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú), nói hiện nhà máy vẫn hoạt động bình thường nhưng đến tháng 9-10 sẽ thiếu đơn hàng. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ bố trí cho công nhân nghỉ phép đồng loạt, kết hợp với lễ Quốc khánh, nhà máy sẽ đóng cửa, dừng sản xuất 8 ngày. Sau đó, tùy thuộc vào tình hình, công ty bố trí công nhân nghỉ thứ 7 và giảm giờ tăng ca. Dự kiến, thu nhập của người lao động giảm 10-20%.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc trong ngành dệt may, ông Tuấn cho rằng nửa cuối năm nay sẽ là thời gian "thanh lọc" ngành. Những doanh nghiệp tài chính yếu kết hợp đơn hàng không có, chi phí tăng quá cao sẽ khó lòng trụ nổi buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Công nhân thiếu, mất việc làm là điều dễ thấy.
Tại Thành Công, doanh nghiệp, người lao động và cổ đông phải cùng chia sẻ khó khăn, chấp nhận giảm phần lợi của mình. Tuy nhiên, nhà máy vẫn duy trì nhiều chính sách hỗ trợ để giữ người chờ phục hồi. Đầu tháng 7, công ty tăng lương đồng loạt 6%, tiền xăng được nâng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng mỗi ngày, giá suất ăn cũng điều chỉnh cao hơn 12%...
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nói rằng không chỉ điện tử, dệt may mà ngành gỗ, sản xuất thép... cũng gặp nhiều khó khăn do sức mua các thị trường chính như Mỹ, châu Âu giảm. Thông thường, từ tháng 6 bắt đầu mùa làm hàng cho trung thu, năm học mới, giáng sinh... nhưng năm nay tình hình khá trầm lắng.
"Nhiều nhà máy hàng tồn kho nhiều, giảm giá xả hàng nhưng không có người mua", ông Việt Anh nói và cho rằng khó khăn của đại dịch, chiến sự trên thế giới, lạm phát... đang thấm dần. Nhiều doanh nghiệp phải sắp xếp lại hoạt động sản xuất, giảm thời gian làm việc. Nguyên liệu sản xuất của một số ngành bắt đầu hạ nhiệt, nhiều đơn vị mạnh tài chính sẽ mua dự trữ, chờ phục hồi. Thị trường ở nhóm này có vẻ ấm nhưng cũng không tạo ra việc làm mới.
Theo lãnh đạo HUBA, nếu xét về quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động nhưng lại dừng tuyển dụng. Hiện, các nhà máy chủ yếu giảm tăng ca, cho nghỉ phép năm. Tuy nhiên, thời gian tới việc làm sẽ không đủ cho một tuần với 8 tiếng làm việc mỗi ngày. Trong khi đó, công nhân muốn làm nhiều, tăng ca để có tiền bù đắp chi phí sau dịch, giá cả tăng, con cái vào năm học mới...
"Tình hình đặt ra bài toán giữ người hóc búa cho các doanh nghiệp", ông Việt Anh nói. Thu nhập giảm, công nhân sẽ chuyển việc đến khi thị trường phục hồi nhà máy sẽ không có người làm, lại rơi vào khó khăn, tranh giành nhân lực.
Lê Tuyết