Sau dịch, Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) cần tuyển hơn một nghìn lao động bù đắp số nghỉ việc và mở rộng sản xuất cho gần 20 nhà máy ở các tỉnh, thành. Các nhà máy của Thành Công sẵn sàng tuyển người mới dạy nghề may, đảm bảo lương, thưởng nhưng chưa đủ hấp dẫn. Lao động trẻ chỉ muốn làm các công việc phụ, ngại ngồi vào chuyền do phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tốc độ...
Không chỉ khó tuyển mới, Công ty Thành Công còn đối mặt biến động lao động ngay trong nội bộ. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty, nói ngành dệt may không còn hấp dẫn công nhân. Bằng chứng một lượng lớn lao động ở các nhà máy nghỉ việc để chuyển sang các ngành khác thu nhập tốt hơn. Chưa kể xu hướng lao động dịch chuyển ngược từ thành phố về các địa phương do chi phí ở thành thị ngày càng đắt đỏ, "lương 8-9 triệu mỗi tháng không thể sống nổi".
"Lao động dệt may đã cạn nguồn, tìm người mới rất khó. Các nhà máy đang tranh nhau công nhân có tay nghề", ông Tuấn nói và cho biết khan hiếm lao động khiến nhiều nhà máy không thể đạt 100% công suất. Với những chuyền được bổ sung đủ người, năng suất vẫn đi xuống do người mới chưa quen nghề, không bắt được nhịp sản xuất.
Tương tự, Công ty TNHH MTV giày dép Vĩnh Phong trước năm 2020 quy mô 500 lao động, xưởng sản xuất rộng 3.500 m2, chỉ đủ khả năng nhận gia công cho hai khách hàng. Sau khi nhiều đối tác đặt hàng, ban giám đốc quyết định chuyển nhà máy từ Bình Tân ra huyện ngoại thành Hóc Môn, nhà xưởng rộng 10.000 m2, với hơn 1.000 lao động. Thế nhưng, sau hai năm nhà máy tuyển không đủ người, hiện chỉ gần 300 công nhân làm việc.
"Không thể tìm ra người", bà Phan Thị Minh Thu, Phó giám đốc công ty nói. Nếu trước đây, một tuần nhà máy có thể tuyển 50 công nhân có tay nghề, giờ đây cả tháng, sử dụng đủ kênh chỉ kiếm được 10 người. Chưa kể, người đến ứng tuyển đa phần lao động lớn tuổi, ngấp nghé 40, bị nhiều ngành "chê". Trái ngược kế hoạch mở rộng sản xuất để nhận thêm khách hàng, giờ đây Công ty Vĩnh Phong rơi vào tình trạng lao động giảm gần một nửa trong khi tiền thuê xưởng tăng gấp đôi. Doanh nghiệp cũng không thể nhận thêm đối tác mới.
Thiếu lao động, khó tuyển mới cũng là tình trạng của nhà máy Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) - doanh nghiệp gia công giày đông công nhân nhất TP HCM. Sau dịch, công ty cần tuyển mới 8.800 lao động nhưng đến nay chỉ lấp đầy được 65%. Chưa kể, mỗi tháng có 500-650 công nhân nghỉ việc. Phía doanh nghiệp cho hay không còn đặt nặng mục tiêu tuyển đủ người vì biết rõ "không thể nào đạt được". Các thương hiệu cũng chuyển đơn hàng vừa đủ để nhà máy làm.
Dệt may, da giày là hai ngành hàng dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, dệt may khoảng hai triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Con số này ở ngành da dày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ trên 18%. Những năm gần đây, đặc biệt sau Covid-19, hai ngành phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động.
Riêng tại TP HCM, theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Falmi), sau dịch nhu cầu sử dụng lao động của dệt may, da giày tăng rất cao, song khả năng đáp ứng của thị trường còn hạn chế.
Dự báo giai đoạn 2022-2026, hai ngành này tại TP HCM sẽ có 390.000-437.000 lao động làm việc. Bình quân mỗi năm, hai ngành phát sinh 20.000-22.000 vị trí việc làm mới. Tuy nhiên, ghi nhận các năm qua, lao động có nhu cầu tìm việc nhóm dệt may, da giày giảm nhiều, mỗi năm chỉ hơn 1.000 người.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, nói năm nay các doanh nghiệp thuộc tập đoàn nhận rất nhiều đơn hàng nhưng không đủ nhân công. Trung bình mỗi năm các nhà máy mất 10% lao động. Số tuyển mới gần như chỉ bù đắp được phần thiếu hụt. Các doanh nghiệp khó tuyển được người trẻ.
Hiện, tuổi bình quân của công nhân ở nhiều nhà máy may mặc đến 41-42, tức lao động lớn tuổi chiếm số đông. Họ gắn bó vì khó tìm được công việc khác, hoặc cố gắng làm để chờ tuổi hưu. Nhân lực không đáp ứng đủ nên các công ty quy mô dưới 1.000 lao động khá dè dặt khi ký các đơn hàng lớn, buộc phải nhận các hợp đồng nhỏ, đơn giá thấp.
Bà Thủy cho hay các doanh nghiệp tích cực đầu tư công nghệ, máy móc để giữ sản lượng, đáp ứng các đơn hàng. Tuy nhiên, ngay cả lao động có trình độ trong ngành làm các công việc như điều khiển máy móc, thiết kế mẫu... cũng hiếm người. Là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, chiếm vị trí quan trọng của nền kinh tế, nhưng nhiều năm qua số trường đại học, cao đẳng đào tạo nhân sự cho dệt may, da giày quá ít so với nhu cầu.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho rằng lao động bỏ dệt may, da giày để chuyển sang các ngành khác có giá trị, năng suất cao hơn, lương tốt hơn như điện tử, du lịch... là xu hướng tất yếu. Thời gian tới, hai ngành hàng này sẽ không còn là thế mạnh khi Việt Nam dần dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
Ông Bình nói nếu nhìn theo kinh nghiệm của các nước, ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ phải thay đổi, tái cấu trúc với mô hình tăng trưởng khác. Thậm chí hai ngành phải thu hẹp, không dựa nhiều vào lao động giá rẻ như hiện nay vì những lợi thế này sẽ mất dần.
Việc cạn nguồn, khan hiếm lao động buộc hai ngành hàng phải đầu tư vào các công đoạn có giá trị tăng cao như sản phẩm dệt, nguyên vật liệu, thiết kế, xây dựng thương hiệu, thị trường riêng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt để chuyển sang vai trò của người tổ chức, giống như các công ty của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đang đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Lê Tuyết