"Tôi đầu tư hơn 4.000 USD để mua điện thoại và sim data với mục đích chơi game. Tuy nhiên, số tiền này không là gì so với vốn bỏ ra để mua giày ảo. Với mỗi đôi giày giá 1.000 USD, số tiền tôi chi là 30.000 USD", anh Thiên, 33 tuổi, nói về việc tham gia một game NFT thuộc dạng M2E - chạy bộ kiếm tiền.
Trung bình mỗi ngày, anh kiếm được 30 USD cho mỗi tài khoản, tức 900 USD cho toàn bộ số giày. "Tất nhiên, tôi không thể tự chơi với 30 chiếc điện thoại. Tôi thuê người chuyên chạy bộ hoặc sinh viên với một số tiền nhất định theo thỏa thuận", anh nói.
Sau 22 ngày, anh Thiên cho biết đã thu hồi vốn, nhưng khẳng định sẽ chỉ chơi thêm khoảng một tháng tùy theo tình hình rồi bán giày NFT và tìm một game mới. "Tuổi thọ game NFT ngắn lắm, tôi sẽ thoát sớm khi dự đoán nó đạt đỉnh", anh chia sẻ. Trước khi đến với game M2E nói trên, anh cũng từng tham gia một số game NFT khác với chiến lược tương tự và kiếm hàng nghìn USD.
Hoàng Thiên là một trong số những người thích "ăn xổi" trong thị trường game NFT. Theo Vũ Thành, quản trị viên một nhóm chuyên về chơi game kiếm tiền (P2E) với hơn 30.000 thành viên, những người như Thiên không hiếm trong thị trường tiền số.
"Họ chuyên săn lùng các dự án mới theo xu hướng, tham gia từ rất sớm và rút khỏi khi đã kiếm một khoản lời, sau đó tìm đến các dự án khác", anh Thành nói. Tuy nhiên, việc tìm được dự án chất lượng không dễ vì người chơi còn phải có khả năng đánh giá tiềm năng của chúng. Trong môi trường phi tập trung, họ có thể đối mặt với hàng loạt nguy cơ của thị trường tiền số, nhất là rug pull - tình trạng đội ngũ phát triển phía sau ôm tiền của nhà đầu tư bỏ trốn.
Thực tế, trước khi "nghiệm" ra cách chơi game NFT kiếm lời nhanh, anh Thiên cũng thử tham gia một số game P2E nhưng chỉ thua lỗ do vào muộn hoặc dự án chết yểu. "Tôi từng mất 20.000 USD cho những game dạng này", anh Thiên kể.
Hồi tháng 5, Trần Công (TP HCM) cũng tham gia game P2E về đua xe. Nhưng sau khi chi 3.000 USD để mua ba chiếc xe đua trong game và mới chơi được ít ngày, đội ngũ phía sau biến mất không một lời thông báo, khiến token của dự án lao dốc. "Giờ số token tạo ra mỗi ngày không đủ mua một ly trà đá. Item xe bán cũng không ai mua, tôi xác định mất trắng số tiền", anh Công cho hay.
Trước tình trạng "ăn xổi", một số chuyên gia khuyến cáo nhiều game kiếm tiền tại Việt Nam hiện nay không có tính bền vững, chạy theo mô hình đa cấp. Theo Thế Vĩ, người có 5 năm kinh nghiệm về game blockchain, đa số game NFT hiện nay có thể xem là "siêu ponzi" vì lấy tiền của người sau trả cho người trước, do đó chỉ đem lại lợi nhuận cho những người tham gia đầu tiên.
"Thông thường, giá token ban đầu ở mức thấp, có thể mua nhân vật, vật phẩm khá rẻ. Sau khi nhiều người biết đến, giá token tăng mạnh giúp họ thu lời", anh Vĩ giải thích. "Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, giá của chúng có thể sẽ giảm mạnh do được khai thác ngày một nhiều, khiến người tham gia sau thiệt thòi, ôm đống NFT vô giá trị".
Cũng theo chuyên gia này, người dùng có thể tham gia game từ khi dự án chưa ra mắt và tìm hiểu kỹ mô hình. Dù vậy, họ vẫn nên xác định tâm lý có thể mất trắng vì game có thể "sập" lúc nào chẳng hay.
Theo khảo sát giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 5 của Finder, hãng chuyên nghiên cứu dữ liệu trực tuyến tại Australia, Việt Nam là một trong năm quốc gia dẫn đầu về số lượng người chơi game NFT. 23% số người thực hiện khảo sát tại Việt Nam cho biết đang tham gia game NFT.
Gần đây, thị trường NFT đang có dấu hiệu chững lại. Giới chuyên gia nhận định, hầu hết trò chơi dạng này không bền vững, vì người chơi chủ yếu tham gia với mục đích "cày" để kiếm và rút tiền ra, hơn là đầu tư trở lại trong game. Dù các công ty cố gắng đa dạng các loại hình để thu hút, một số chuyên gia vẫn tin chúng chỉ là trào lưu nhất thời, không thể tồn tại nhiều năm.
Bảo Lâm