Từ tháng 3 đến tháng 5, Finder, công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu trực tuyến tại Australia, đã thực hiện khảo sát ở 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với số người tham gia từ 1.000 đến 3.800 mỗi nơi tùy theo quy mô dân số. Kết quả cho thấy game NFT hiện có sức hút lớn trên toàn cầu, đặc biệt ở khu vực châu Á.
23% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết đang chơi loại game này, trong khi 9,6% dự định chơi trong thời gian tới. Tỷ lệ người chơi ở các nhóm tuổi cũng khá tương đồng, với 21,7% ở độ tuổi 18-34, 23,7% ở độ tuổi 35-55 và 22,4% trên 55 tuổi. Trong khi đó, nhóm người chơi game NFT nhiều nhất trên thế giới tập trung chủ yếu ở 18-34 tuổi.
Ấn Độ đứng đầu khi có 33,8% số người được hỏi cho biết đang chơi game NFT, trong khi 11% dự định chơi. Các vị trí còn lại trong top 5 thuộc về Hong Kong (28,7% và 7,6%), UAE (27,3% và 12,4%) và Philippines (25% và 14%).
Game NFT hiện chủ yếu thuộc loại P2E (play to earn - chơi để kiếm tiền), tức cho phép người tham gia kiếm token hoặc tài sản NFT để bán và kiếm lời. Trò chơi phổ biến nhất dạng này là Axie Infinity. Một số game NFT khác có thể kể đến ứng dụng Sandbox chuyên về mua bán bán đất ảo; hay StepN khuyến khích người chơi chạy bộ để thu thập NFT và token.
NFT (non-fungible token) là chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain, được đánh giá minh bạch về tính chính danh và quyền sở hữu. Trong năm 2021, NFT trở thành hiện tượng trong giới công nghệ với hàng loạt tác phẩm được bán từ vài trăm nghìn USD tới hàng chục triệu USD. Nhiều người nổi tiếng như Paris Hilton, Gwyneth Paltrow hay Serena Williams khoe đang sở hữu NFT.
Tuy vậy, thị trường game NFT đang có dấu hiệu chững lại. Theo giới chuyên gia, hầu hết trò chơi dạng này không bền vững, vì người chơi chủ yếu "cày" để kiếm và rút tiền hơn là đầu tư trở lại trong game. Dù các công ty đang cố gắng đa dạng các loại hình để thu hút, một số chuyên gia vẫn tin chúng chỉ là trào lưu nhất thời, không thể tồn tại nhiều năm.
Bảo Lâm