Khuôn mặt của Baghdadi được cho là còn nguyên sau vụ nổ. Sau khi sử dụng máy quét nhận dạng khuôn mặt, đặc nhiệm Mỹ ngay lập tức xác định người bị tiêu diệt trong cuộc đột kích vào khu nhà nhỏ ở ngoài làng Barisha ở Idlib, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 5 km về phía nam ngày 27/10 đúng là Baghdadi. Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau đó thừa nhận thủ lĩnh đã chết và công bố kẻ cầm đầu mới.
Kể từ những ngày đầu của cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, lực lượng Mỹ đã xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ về khuôn mặt, mống mắt và dấu vân tay của các nghi phạm khủng bố. Những dữ liệu này có thể được truy cập và đối chiếu bằng máy quét cầm tay. Gần đây quân đội Mỹ còn nghiên cứu cách xác định những kẻ khủng bố bằng giọng nói.
Các đặc nhiệm đột kích Baghdadi không chỉ dựa vào những đặc điểm sinh trắc học này để xác nhận danh tính mục tiêu mà còn kết hợp với xét nghiệm ADN.
Thông thường, việc xét nghiệm ADN có thể mất vài tuần. Các nhà phân tích tại phòng thí nghiệm cần hòa tan các mẫu hữu cơ trong hóa chất đặc biệt để tách chiết ADN. Bộ Quốc phòng Mỹ trong những năm gần đây nỗ lực tăng tốc xử lý ADN, đặc biệt là để nhanh chóng xác định các thủ lĩnh khủng bố bị tiêu diệt sau các cuộc đột kích.
Ngay sau khi đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan vào tháng 5/2011, các quan chức Mỹ đã gửi mẫu vật từ thi thể bin Laden cho một phòng thí nghiệm ADN của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Các chuyên gia quân sự tại đây sau đó xác nhận người chết là thủ lĩnh al-Qaeda.
Nhưng các lãnh đạo Lầu Năm Góc muốn đặc nhiệm có thể xác định được những kẻ khủng bố ngay tại chỗ, ngay sau cuộc đột kích mà không cần chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm. Năm 2015, các quan chức Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Mỹ (SOCOM) tiết lộ rằng họ đã bắt đầu sử dụng hai loại máy xác định ADN cỡ nhỏ mới: RapidHIT 200 từ công ty IntegenX có trụ sở tại California và DNAscan từ công ty NetBIO, có trụ sở ở Massachusetts.
Hai máy đọc ADN này hoạt động giống như các hệ thống truyền thống, nhưng với lượng hóa chất rất nhỏ, được đo chính xác và kết nối không dây với cơ sở dữ liệu ADN. Chúng nặng khoảng 45 kg và có kích thước như một máy photocopy, đủ nhỏ để đặt trên trực thăng.
Cả hai loại máy chỉ đòi hỏi người vận hành ở trình độ vừa phải. Họ chỉ cần sử dụng tăm bông để thấm một ít nước bọt hoặc máu của đối tượng cần kiểm tra ADN rồi cho vào một bọc nhựa, đặt bọc nhựa vào máy và nhấn một vài nút, chưa đầy hai giờ sau, chiếc máy sẽ cho ra kết quả, xác định ADN có trùng khớp với cơ sở dữ liệu hay không.
"Chúng tôi không muốn những thiết bị đòi hỏi người vận hành phải có bằng tiến sĩ", Michael Fitz, người quản lý chương trình giám sát đặc biệt của SOCOM, nói.
Năm 2015, các máy quét ADN tức thì có giá khoảng 250.000 USD và thường chỉ được dùng trong các nhiệm vụ quan trọng. Vào thời điểm đó, SOCOM hy vọng hợp tác với các doanh nghiệp để thu nhỏ máy quét ADN di động xuống chỉ còn khoảng 2,3 kg.
Không rõ trong cuộc đột kích Baghdadi, Mỹ có sử dụng các thiết bị nhỏ gọn hơn không. Khi họp báo về chiến dịch, Tổng thống Mỹ Trump nói rằng lực lượng Mỹ chỉ mất khoảng 15 phút để thử ADN.
Dù có kích thước hay tốc độ xử lý như thế nào, máy đọc ADN chỉ có tác dụng khi Mỹ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn nhằm xác định ADN trùng khớp.
Để thu được ADN của bin Laden, tình báo Mỹ được cho là đã chiêu mộ bác sĩ Pakistan Shakil Afridi, người phụ trách chương trình tiêm phòng viêm gan B tại Abbottabad, nơi trùm khủng bố Osama bin Laden ẩn náu. Lợi dụng chương trình tiêm chủng, bác sĩ Afridi đã lấy mẫu máu từ một đứa trẻ trong khu nhà nghi là nơi ở của bin Laden để xét nghiệm ADN, nhằm xác định liệu đứa trẻ có phải là người thân của trùm khủng bố hay không.
Trong chiến dịch tiêu diệt Baghdadi, tướng Frank McKenzie, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cho biết Mỹ xác định người bị tiêu diệt đúng là Baghdadi bằng cách đối chiếu với ADN đã được lưu lại kể từ khi Baghdadi bị giam năm 2004 tại một nhà tù ở Iraq.
Phương Vũ (Theo Daily Beast)