Trả lời:
Rau sam còn có tên là mã xỉ (vì lá giống hình răng con ngựa), tên khoa học là Portulaca oleracea L., mọc hoang ở khắp những nơi ẩm ướt. Vào các tháng 5-7, người ta hái cả cây, có khi cắt bỏ rễ rồi rửa sạch, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô làm thuốc (chữa lỵ trực tràng, đắp mụn nhọt, lợi tiểu tiện, tẩy giun kim).
Theo Đông y, rau sam vị chua, tính hàn, không độc, có tác dụng chữa lỵ ra máu, tiểu tiện đục, trừ giun sán, nhọt độc. Liều dùng 6-12 g khô/ngày dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng. Những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy chớ nên dùng rau sam.
Một số đơn thuốc có rau sam:
1. Chữa lỵ cho trẻ em: Rau sam tươi 250 g (hay 50 g khô), nước 600 ml, sắc còn 100 ml, chia 4 lần uống trong ngày. Trẻ dưới 6 tháng tuổi uống mỗi lần 5 ml; trẻ 6 tháng đến 1 tuổi mỗi lần 10 ml; trẻ 2 tuổi trở lên mỗi tuổi thêm 5 ml/lần.
Hoặc: Rau sam tươi 100 g, cỏ sữa 100 g; nếu đi ngoài ra máu thêm 20 g cỏ nhọ nồi và 20 g rau má. Cho 3 bát nước (600 ml), sắc còn 1 bát (200 ml). Người lớn uống ngày 2 liều nói trên. Trẻ em 2 tuổi mỗi ngày uống 5-10 thìa cà phê, 3-5 tuổi: 3 thìa to, 10 tuổi: 5 thìa to, 15 tuổi: 150 ml. Thường thời gian điều trị là 5-7 ngày.
2. Trừ giun kim: Rau sam tươi 50 g rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước, thêm ít đường cho dễ uống. Uống liên tiếp 3-5 ngày.
3. Bạch đới: Giã nát rau sam, vắt lấy nước, hòa với lòng trắng trứng gà, hấp chín, ăn trong vài ngày. Mỗi ngày dùng 100 g rau sam tươi.
4. Trẻ em chốc đầu: Giã nát rau sam tươi, thêm nước, sắc đặc để bôi (hoặc đốt ra than, hòa với mỡ lợn bôi).
5. Mụn nhọt: Rau sam tươi giã nhỏ, đắp lên mụn nhọt, ngòi mụn sẽ dễ ra.
6. Tiểu ra máu: Rau sam nấu canh ăn hằng ngày, liên tục 3-7 hôm.
GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khoẻ & Đời Sống