Tôi là một học sinh trường chuyên - nơi mà mọi người vẫn nói tỉ lệ chọi vào trường còn cao hơn tỉ lệ chọi vào đại học. Và sau khi đọc xong bài “Nên dẹp bỏ các trường chuyên ở Việt Nam” thì tôi thấy cảm nhận của mọi người chưa đúng, chí ít là khi nó được áp dụng với trường tôi.
Ở trường, chúng tôi được học nhiều hơn mọi người tưởng, nhưng không có nghĩa là chỉ chăm chăm luyện thi đại học hay trở thành một lò luyện thi. Tại đây, chúng tôi có cơ hội tiếp cận những cái tốt của nền giáo dục như trao đổi học sinh, được các thầy cô giỏi nhất giảng dạy phương pháp học hiệu quả chứ không hề học vẹt.
Ở môn Văn, để hiểu một tác phẩm bọn tôi không học thuộc và nghe “cô đọc, trò chép” mà diễn kịch, tự tìm hiểu mọi tác phẩm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, sau đó cô giáo sẽ đánh giá nó trên thành quả của chúng tôi. Cách học này giúp học sinh phân loại kiến thức, đồng thời hiểu được cái hay cái đẹp trong một tác phẩm mà lại không hề gò bó, vậy sao lại bị gọi là "lò đào tạo những con vẹt"?
Chúng tôi chuyên về ngoại ngữ thì luôn được tạo những điều kiện tốt nhất để giao lưu với các bạn nước ngoài cùng tuổi, vì như mọi người biết học một ngôn ngữ không phải chỉ đơn thuần là phát âm và chia ngữ pháp, mà nó còn bao gồm cả hiểu về văn hoá của đất nước đó. Không chỉ thế, trường tôi còn có các câu lạc bộ cho học sinh tự do lựa chọn và những hoạt động ngoại khoá thường niên như hội thao, ngày hội khoa học...
Ở trường chuyên chúng tôi không cắm đầu vào học như mọi người vẫn nghĩ, mà thầy cô dạy bọn tôi làm thế nào để biết cân bằng thời gian giữa việc học, và chơi để đạt kết quả tốt nhất ở cả hai phương diện. Và thực tế là trường tôi không học trước kiến thức để thi đại học, thậm chí học sinh còn có phần thiệt thòi hơn khi các trường thường thi thử đến 5-6 lần còn trường tôi chỉ thi thử đúng một lần, và không được tham gia thi thử kì thi của Sở.
Cánh cổng đại học là nơi mà mọi người đều nỗ lực, cố gắng để được vào vậy có gì là sai khi chúng tôi mong được 27-28 điểm? Chúng tôi nỗ lực như bao bạn khác để nắm chắc cho mình một suất vào đại học thì có gì là sai?
Ngôi trường tôi đang học bây giờ đối với tôi không như mọi người vẫn tưởng, mà đó là những ngày tháng tuyệt vời nhất trong tôi với những hoạt động mình chưa từng được tham gia, những kiến thức được học qua nhiều cách dạy chứ không chỉ cô giảng trò nghe, rồi cô đọc trò chép.
Việc phân loại học sinh thật sự cần thiết vì như thế chúng ta mới tiến bộ như các nước khác. Có chăng điều cần thay đổi chính là giáo dục và tư tưởng của người Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đến tận năm lớp 12 vẫn bắt học sinh học đầy đủ 13 môn mà không hề hướng học sinh theo một hướng nhất định, để rồi ai cũng hoang mang và phải cố chen được một chân vào đại học.
Tâm lý của mọi người cũng vậy, chỉ có học đại học mới là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Phụ huynh áp đặt con cái thi vào đại học mà không hiểu khả năng thật sự của con em mình. Như cô giáo tôi từng nói: Ở Việt Nam tất cả mọi người đều muốn làm sếp mà chẳng có ai muốn làm nhân viên thì sao phát triển được?
Ở nước ngoài, họ hiểu học sinh của họ kỹ càng và đánh giá nhận xét khả năng từng người rồi đưa ra những lời khuyên hợp lý, ai học tốt sẽ lên đại học, ai không học giỏi sẽ vào trường dạy nghề và học nhanh để có thể đi làm ngay. Người nước ngoài cũng không bao giờ khinh thường những người lao động tay chân, miễn là họ làm việc lương thiện, công việc nào cũng đáng quý.
Tôi thấy mọi người có vẻ hơi nhầm về trường chuyên. Nước ngoài không có trường chuyên nhưng nó có danh sách thứ hạng của các trường phổ thông. Những trường đứng đầu luôn là điều mà bất kì học sinh nào muốn được vào, và đó cũng chính là cách tồn tại của trường chuyên hiện nay. Và theo tôi, được trở thành một học sinh trường chuyên vừa là niềm hãnh diện lại vừa là cách tiếp cận với những phương pháp học hiệu quả của những thầy cô giáo tốt nhất.
Ai cũng có lựa chọn cho riêng mình, nếu muốn được hưởng một nền giáo dục tốt nhất, học sinh cần hiểu rõ thực lực của mình và cố gắng hết mình vì nó. Và nếu không đủ khả năng, những học sinh giỏi hơn đương nhiên sẽ được hưởng điều tốt hơn. Đó chẳng phải là quy luật tự nhiên của xã hội hay sao?
>> Xem thêm: Choáng váng với đề thi tuyển sinh của trường chuyên
'Thưa bác Thăng, chúng cháu kiệt sức vì học thêm' Thời gian chúng cháu phải học rất nhiều, nhưng kiến thức lại không được bao nhiêu và kỹ năng sống cũng rất kém. |
Chia sẻ bài viết về giáo dục tại đây.