Thời gian này, hầu như các trường đều đang chuẩn bị cho việc tổng kết cuối năm học. Những phần thưởng đã được chuẩn bị sẵn để tặng cho những em đạt thành tích cao, xuất sắc, khá giỏi, thậm chí học sinh trung bình cũng có quà.
Thế nhưng mới đây, tôi nhận được điện thoại của đứa bạn thân đang công tác tại một trường vùng sâu tỉnh Long An. Cậu này nhờ tôi viết giùm một bài phát biểu cảm nghĩ của học sinh cuối năm.
Mới đầu, tôi cứ tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại thì nó khẳng định: “Tao là giáo viên dạy Vật lý, mà trường bảo tao phải viết bài phát biểu cảm nghĩ cho học sinh. Tao không biết viết thế nào đây, bó tay rồi”.
Qua đó, tôi nhận ra một điều rằng việc chạy theo thành tích không chỉ có ở những trường trung tâm, thành phố lớn mà hình như đã lan đến cả vùng sâu, vùng xa. Nơi nào có giáo dục thì sẽ còn kiểu dạy học chạy theo thành tích, không nhiều thì ít.
Tôi hy vọng suy nghĩ của mình là sai, nhưng thật sự nhìn những phần thưởng của học sinh cuối năm, những phần quà vốn chỉ dành khen thưởng cho những em đạt được thành tích cao, thật sự nỗ lực... vậy mà ai cũng có thì còn ý nghĩa gì?
Một trường có tận 2/3 học sinh được nhận quà cuối năm, ấy thế nhưng chỉ có một bài viết phát biểu cảm nghĩ mà không giáo viên nào dám tự tin giao cho học trò, mà phải để giáo viên viết mới thấy an tâm hơn thì chất lượng giáo dục có đúng thực tế không?
Hồi tôi còn đi học, nhận được phần thưởng cuối năm bao giờ cũng vinh dự và tự hào lắm. Ngày ấy chúng tôi phải nỗ lực lắm mới đạt được danh hiệu học sinh giỏi và đứa nào thật sự nổi trội mới có được phần thưởng cuối năm. Thấy bạn bè nhận được quà, vẻ mặt hớn hở ra về ,tôi thật sự thấy ganh tỵ và tự hứa với lòng: “Năm sau mình sẽ được”.
Còn bây giờ, việc khen thưởng thật sự quá đơn giản. Những món quà nếu không tính về giá trị vật chất thì ý nghĩa động viên, khuyến khích, khen thưởng cũng không còn lại bao nhiêu. Chưa kể đến chất lượng của học sinh có xứng đáng nhận được phần quà không? Hay chỉ là sự hô hào rằng trường có nhiều em học sinh khá, giỏi, nhiều giáo viên dạy tốt để rồi các em khi bước vào đời sẽ làm được gì ngoài những “phần quà nhỏ bé” ấy?
>> Xem thêm: Nỗi đau của nền giáo dục/ Con tôi là học sinh giỏi nhưng không biết làm toán lớp 2
Lớp học 'lạm phát' có 98% học sinh giỏi
Lớp chỉ có 50 học sinh thì có 49 học sinh giỏi, chỉ có duy nhất 1 em khá. |
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.