Vì một lý do nào đấy, dạo này đột nhiên có nhiều người chỉ trích giới trẻ là tiêu xài hoang phí, lãng phí thời gian, ngồi ngoài hàng quán, lấn chiếm lề đường. Quán trà sữa được đưa ra làm ví dụ, nhưng các làng đại học và các món mỳ cay cũng "lên thớt".
Ở bất kỳ một nơi nào trên thế giới, người trẻ cũng đi chơi nhiều hơn người lớn tuổi. Khi người ta vào đại học và mấy năm sau ra trường thì cuộc đời đẹp biết bao. Ta đây đã trưởng thành, có thể đi mây về gió mà không phải báo cáo khắp nơi. Mặt khác, ở tuổi này đa số đều chưa mang gánh nặng gia đình, một số lại còn kiếm được tiền, thì tội gì mà không vui chơi?
Việc vui chơi của giới trẻ có nhiều lý do: họ cần phải giải trí để cân bằng cho cuộc sống, họ cần tiêu hao năng lượng đang tràn đầy, họ cần phải thiết lập các mối quan hệ xã hội và họ cần phải... hẹn hò. Cả ba điều đó đều rất cần thiết cho bản thân giới trẻ, lại càng cần thiết hơn với xã hội.
(Xem thêm: Tại sao trà sữa đắt 50-60.000 đồng mà nhiều bạn trẻ vẫn uống)
Việc giải trí là cần thiết, nó giúp con người hạnh phúc và khoẻ mạnh, như vậy làm việc mới năng suất cao. Con người khi vừa bước vào đời rất cần các mối quan hệ để dễ làm việc và thăng tiến sau này.
Và sau cùng thì các bậc phụ huynh có con ở tuổi hai mươi mà nó không dẫn bạn trai, bạn gái về nhà thì cứ quýnh lên. Có một bà mẹ có đứa con gái 27 tuổi chưa có người yêu, cuối tuần nào bà cũng quát tháo bảo sao con không đi ra đường mà chơi, thật là khổ sở.
Các nhu cầu này là cực kỳ cần thiết. Các đồng bào dân tộc miền núi ở xa nhau, nên họ có chợ tình. Ở các tỉnh thành Việt Nam thì dường như không ai chịu nhớ ra rằng, ở Việt Nam chả có gì để chơi ngoài việc ra ngoài hàng quán.
Tôi đã sống ở Úc và ở Mỹ. Những hoạt động vui chơi, giải trí dành cho giới trẻ ở các nước này cực kỳ phát triển. Các bạn trẻ chơi thể thao, đi xem phim, ra ngoài biển tắm nắng và vui đùa, đi tiệc nướng ngoài trời, đi xem các buổi hoà nhạc của các ca sĩ đình đám, đi xem các trận đấu thể thao, và tất nhiên là có ra hàng ăn uống và đi bar.
(Xem thêm: Tôi xót xa những sinh viên 'lạc trôi' vô định trong làng đại học)
Ở Việt Nam, giới trẻ có điều kiện để làm những việc trên hay không? Chơi thể thao ư? Làm gì có sân bãi, các nhóm thể thao không chuyên thì ít, trang thiết bị thì ít mà lại quá đắt, mà trên hết là người trẻ có được dạy dỗ chuyện tập thể thao bao giờ? Các giờ học thể dục chán muốn chết và chắc chắn là những môn nhiều người thích như bóng đá, cầu lông, tennis, bóng rổ, bơi lội thì cơ hội chơi rất ít.
Rạp chiếu phim thì ít và nhanh chóng trở thành nơi cho nhiều người "tâm sự". Những thứ còn lại thì đơn giản là không có điều kiện. Bãi biển thì xa mà có gần thì cũng toàn bị "chặt chém", các sự kiện ca nhạc và thể thao cực ít và chất lượng tồi. Thậm chí quán bar lại đầy những vụ sử dụng ma tuý.
Vậy là giới trẻ Việt Nam chỉ còn cách ra đường chém gió. Vậy mà họ cũng không được yên. Ngồi ở ngoài hàng quán rẻ tiền thì là lấn chiếm lề đường, ngồi lê đôi mách. Vào chỗ sang trọng hơn một chút thì lấy đâu ra tiền mà mua trà sữa...
(Xem thêm: 'Đại học sẽ đóng cửa nếu xem sinh viên là khách hàng')
TPHCM có 8,4 triệu người, tức là có khoảng 1,4 triệu người tuổi khoảng 18-25, nếu lấy theo số liệu trung bình của cả nước là 17% dân số trong đội tuổi này. Với một lực lượng hùng hậu như vậy thì số người có khả năng mua một ly trà sữa khá nhiều, và chỉ cần một người mua một ly mỗi tháng, thì các cửa hàng đó cũng đã đông đúc.
Rất nhiều bậc lớn tuổi mắng mỏ giới trẻ là hoang phí, là lãng phí thời gian, là không lo học tập và tương lai. Cái điệp khúc này nó vẫn có, có hoài có mãi. Tôi giờ đã gần tuổi trung niên, tôi đã nghe những lời ấy khi mà tôi và các bạn hát nhạc Lam Trường. Ba mẹ tôi thì bị mắng khi họ hát nhạc Trịnh Công Sơn, còn các bạn trẻ ngày nay thì có nhiều thứ để bị mắng hơn: bar, vũ trường, cà phê vỉa hè, trà sữa, mì cay, các ngôi sao Hàn Quốc, và cả ca sĩ Sơn Tùng đã khiến cả giới trẻ lạc trôi đâu đó.
Đại khái là người lớn tuổi nặng gánh gia đình, họ hậm hực nhìn những người trẻ đang sung sướng ăn chơi. Giới trẻ ở Việt Nam ngày nay lại còn bị thêm cái việc ganh ghét của một thế hệ trước nghèo khổ hơn. Tôi từng bị ba tôi mắng rằng ngày xưa ba làm gì có cái máy Walkman mà đi nghe nhạc Tây suốt ngày. Các vị tầm tuổi tôi chắc giờ đang chán ngán món mỳ cay, trà sữa và các bản nhạc Hàn Quốc mà ngày xưa họ không có.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Các vị ấy sẽ còn trách móc, còn người trẻ thì cứ chơi cho vui. Vài hôm nữa nặng gánh gia đình thì đừng quay ra trách móc giới trẻ. Người Việt cứ nói là hy sinh đời bố, củng cố đời con, nhưng khi con cái họ sung sướng hưởng thụ những tiện ích mà họ không có thì họ lại hậm hực.
Nước Mỹ đã trải qua thời những năm 1960, khi mà giới trẻ sống theo trào lưu hippie, hút cần sa và biểu tình chống chiến tranh, họ bị người lớn thưở đấy quyết liệt mắng mỏ. Thế hệ này rồi cũng lớn, rồi cũng gánh vác non sông, nước Mỹ vẫn ổn cả đấy thôi.
Quy luật cuộc sống là như vậy, giới trẻ phải vui chơi và gặp gỡ nhau, không thì họ vào đời không biết cách quan hệ với bạn bè và mãi không tìm ra người để kết hôn. Lúc đấy thì các bậc lớn tuổi lại không hiểu vì sao mới khổ.
>> Xem thêm: Tuổi trẻ lập nghiệp ở quê hay tiến về thành phố lớn?