Tôi không đồng tình với quan điểm "Trường là doanh nghiệp, quan hệ sinh viên với nhà trường là mua - bán" trong bài viết của Facebooker Pham Thanh Long, bởi điều này ngược lại sự phát triển của một xã hội dù giàu hay nghèo. Những quốc gia càng giàu và phát triển tốt thì dân trí của quốc gia đó sẽ phát triển theo.
Năm 2015, Mỹ đã chi 1,015 tỷ USD vào giáo dục bằng 18,2% GDP, còn Việt Nam chi 224.826 nghìn tỷ đồng cho giáo dục. "Trên quả đất tròn tròn" này đã có vài quốc gia như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển... đã phổ cập giáo dục đại học cho dân lâu rồi, và dĩ nhiên cách họ phổ cập không phải chĩa súng vào đầu ép bạn đi học. Thay vào đó, họ phổ cập bằng cách không thu phí đại học.
Vậy dân trí là gì? Theo quan niệm truyền thống, “dân trí” là trình độ văn hóa chung của xã hội, hoặc đơn giản hơn là trình độ học vấn trung bình của người dân. Chúng ta có thể thấy dù quốc gia giàu, hoặc nghèo thì ngân sách dành cho giáo dục đều được ưu tiên.
Ở Mỹ, khi lên đại học chính phủ sẽ trợ giúp học phí cho học sinh có thu nhập thấp, thông qua chương trình Financial Aid (không hoàn trả), và còn nhiều chương trình của từng tiểu bang. Ví dụ trường đại học UDC ở thủ đô Washington DC vào năm 2017, sẽ không thu học phí của dân sống tại DC. Mục đích chính các chương trình là tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận đại học để cho dân trí quốc gia cao hơn.
Vậy tại sao dân trí cao quan trọng như vậy? Khi dân trí cao thì khả năng nhận thức về pháp luật và sức khỏe tốt hơn. Tức là tỉ lệ phạm pháp và chi phí cho y tế sẽ giảm đáng kể.
Theo nghiên cứu của USA Today, tại tiểu bang New Mexico, nếu dân trí những người trưởng thành tăng thêm một bậc (ví dụ như người chưa tốt nghiệp trung học trở nên tốt nghiệp, người tốt nghiệp trung học sẽ học đại học, người đang học đại học sẽ tốt nghiệp) thì tỉ lệ tội phạm sẽ giảm đi một nửa, và tỉ lệ thu nhập tăng thêm gần ¼. Vì thế mục đích đi học không đơn giản ra trường để làm giàu, mà nó còn kéo theo nhiều mặt tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nếu Facebooker Pham Thanh Long cho rằng trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU) là một doanh nghiệp, thì cách kinh doanh đó không phù hợp hiện nay.
Hồi đó, khi tôi còn bán hàng ở chợ, gần mấy quầy bán cá thường nghe câu nói "Cá của tôi tươi ngon, giá vậy là hợp lý rồi, không mua thì đi chỗ khác, không có tiền mà đòi ăn cá tươi”. Với lối kinh doanh đó chỉ tồn tại trong kinh doanh nhỏ lẻ và thiếu chuyên nghiệp. Vì người kinh doanh thông minh họ thừa hiểu rằng khách hàng là sự sinh tồn của họ. Họ làm mọi cách để kéo khách hàng về phía mình, thông qua quảng cáo hoặc tiếp thị.
Nếu khách hàng (sinh viên) không mua hàng (dịch vụ giáo dục) thì lúc này giáo viên sẽ thừa và bị cho thôi việc. Như vậy nếu tăng học phí, thì điều bất lợi không nằm ở sinh viên, mà cả giáo viên cũng bị cuốn theo. Và trường học sẽ phải đóng cửa nếu không đủ số khách hàng để tồn tại.
Vậy việc mà NEU cần làm là phải chứng minh cho sinh viên thấy, nó xứng đáng từng đồng xu họ bỏ ra, chứ không phải cách kinh doanh bất cần.
Hơn nữa, học kinh tế không có nghĩa là chỉ học những gì liên quan tới kinh tế. Ngoài kinh tế, nhà trường phải dạy sinh viên những môn khác để tăng khả năng nhận thức một vấn đề và xã hội tốt hơn.
>> Xem thêm: Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân lên tiếng về việc tăng học phí
Chia sẻ bài viết, video của bạn tại đây.