Mấy ngày nay tôi có xem tin tức về đề xuất cải tiến tiếng Việt của cụ PGS Bùi Hiền với báo cáo dài 16 trang sau thời gian nghiên cứu là 40 năm.
Nội dung đề xuất của cụ mà báo chí và các trang mạng đã đăng tải cùng hàng loạt bình luận nặng, nhẹ. Tôi không bàn về chuyên môn liên quan ý tưởng này, điều tôi xin nói là nội dung của mỗi trang báo cáo mà nếu tính ra là 40 năm chia cho 16 trang tương đương 2,5 năm cho một trang báo cáo.
Theo tôi biết, nếu là nhà nghiên cứu công thức toán học, hóa học mới... hay trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, họ có thể nghiên cứu một mình và công bố kết quả với dẫn chứng lấy ra từ quá trình nghiên cứu. Còn trong lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế, để đề án thuyết phục, họ phải làm rất nhiều khảo sát, thu thập dữ liệu, dẫn chứng, lấy ý kiến mẫu trước khi đi vài nội dung chính đề án mà mình muốn đệ trình.
(Xem thêm: Chàng trai Tây thay đổi hành vi vì học tiếng Việt)
Quay lại đề xuất cải cách Tiếng Việt của cụ Bùi Hiền, mặc dù tôi không có cơ hội viết đề án luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nhưng có tham gia hỗ trợ chút ít viết dự án nên tôi có thắc mắc như sau:
Tiếng Việt là ngôn ngữ của toàn dân Việt Nam từ cực bắc ở Hà Giang đến cực nam ở mũi Cà Mau. Kể cả nước ta có 54 dân tộc anh em thì tiếng Việt (Kinh) vẫn được quy ước là tiếng nói đại chúng. Vì là ngôn ngữ được sử dụng có hệ thống nên khi muốn thay đổi thì cần dựa vào kết quả thực tế thông qua các báo cáo, khảo sát và thống kê cơ bản. Và thậm chí phải phác họa sơ đồ từng giai đoạn cụ thể để theo dõi. Ví dụ như trong 63 tỉnh thành Việt Nam:
- Tỉnh nào (huyện nào, xã nào) có tỷ lệ người dân, học sinh viết sai chính tả Tiếng Việt nhiều nhất?
- Chữ nào dễ viết sai nhất?
- Chữ nào, vần nào phát âm sai nhiều nhất?
- Chữ nào khó phát âm nhất?
- Những nguyên cơ bản dẫn đến phát âm sai, viết sai là gì (mỗi vùng sẽ có câu trả lời hoặc giống hoặc khác nhưng là cơ sở lý luận cho công trình nghiên cứu).
- Người dân ở mỗi vùng, tỉnh khảo sát có hài lòng với cách vận hành tiếng Việt không, có muốn thay đổi gì không?
Đó là chỉ trong nội bộ dân mình. Đối với người nước ngoài học tiếng Việt, dĩ nhiên người nước ngoài học tiếng Việt ở Hà Nội khác với người nước ngoài học tiếng Việt ở Sài Gòn, vậy cụ đã nói chuyện được bao nhiêu người nước ngoài học Tiếng Việt ở cả hai nơi? Phản hồi của họ thế nào về học viết chữ Tiếng Việt?
(Xem thêm: Ngôn ngữ 'teen' đang phá hủy sự trong sáng của tiếng Việt)
Trải qua nhiều năm nghiên cứu và thu thập dữ liệu, những khảo sát hàng năm với câu hỏi giống nhau cho kết quả giống nhau hay khác nhau? Có cải thiện gì không?
Vậy cháu xin hỏi cụ Bùi Hiển là trong vòng 40 năm cụ đã đi thực tế được bao nhiêu vùng? Cụ đã nói chuyện với người dân, công chức, học sinh sinh viên ở bao nhiêu nơi? Những khác nhau cơ bản của người mỗi vùng khi họ phát âm tiếng Việt để trả lời câu hỏi của cụ là gì? Họ phản hồi những khó khăn khi viết Tiếng Việt ra sao?
(Xem thêm: Bản dịch tiếng Việt không lột tả được cái hay của 'Bắt trẻ đồng xanh')
Tôi lấy một ví dụ từ công trình ngiên cứu của cụ:
Cụ Bùi Hiển cho rằng /gi/ và /d/ phát âm giống nhau theo giọng Hà Nội là chuẩn vì vậy gom chung là /z/, hay /ch/ và /tr/ phát âm không khác nhau nên quy về /c/, vậy cụ có báo cáo khảo sát cụ thể không? Chẳng hạn:
Ở cấp toàn quốc: bao nhiêu phần trăm không phát âm được khác nhau giữa /ch/ và /tr/, /gi/ và /d/ ?
Nếu cụ bảo lấy giọng Hà Nội là chuẩn, vậy ở cấp thủ đô Hà Nội: giọng chuẩn Hà Nội là bao gồm khu vực nào? Dẫn chứng cụ thể cơ sở xác định đây là tiếng nói chuẩn của cả nước. Khu vực này chiếm bao nhiêu phần trăm dân số cả nước? Số người hoàn toàn không phát âm được /ch/ và /tr/, /gi/ và /d/ chiếm bao nhiêu phần trăm? Nguyên nhân không phát âm được do khách quan hay chủ quan? Dẫn chứng.
Có nghiên cứu hay biện pháp nào liên quan đến cải thiện cách phát âm mà không cần thay đổi chữ viết chưa? Nếu chưa thì tại sao? Nếu rồi tại sao không có kết quả khả quan?
Như tôi giải thích ở trên, nghiên cứu vấn đề xã hội cần phải trải qua nhiều thực tế thực địa, không thể ngồi quan sát trong một phạm vi giới hạn và tự áp đặt quy tắc theo thế chủ quan, như ở đây là cho rằng /ch/ và /tr/, /gi/ và /d/ phát âm giống nhau (lấy giọng Hà Nội làm chuẩn).
Đây là nền tảng thông tin cơ bản để đi đến một quyết định nghiên cứu và công bố khoa học. Còn đề xuất thay đổi có tính hệ thống và trật tự xã hội thì cần phải có bằng chứng cụ thể về lợi ích và thiệt hại đi kèm, thậm chí là phải đưa ra các giả định, dự báo về tình huống, viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai.
(Xem thêm: Giáo viên Tây lý giải vì sao người Việt khó học tiếng Anh)
Việc thay đổi này là một quá trình, ảnh hưởng trực tiếp lên nền giáo dục, nền kinh tế, sự ổn định xã hội và nhất là thế hệ con em tương lai một quốc gia, cho nên nghĩ về phát kiến cho xã hội là có trách nhiệm trọn vẹn cả hậu quả và kết quả của phát kiến đó chứ không phải đơn giản là cá nhân sáng tác một bài thơ hay một công thức toán học, ai không thích thì thôi.
Cũng như cụ bảo là việc sử dụng hệ thống chữ mới sẽ tiết kiệm 8- 9% thời gian, tài nguyên… nhưng thực sự tôi chưa thấy bằng chứng thuyết phục, vì như rất nhiều bình luận đã đề cập: chưa nói việc tiết kiệm của hệ thống chữ mới, việc thay đổi cái rụp, giả định là đề án được chính phủ duyệt, đã thấy viễn cảnh gây tốn kém thiệt hại biết bao nhiêu tiền của cho hệ thống giấy tờ, văn tự, sách vở... từ thông tin trên giấy in đến cơ sở dữ liệu trên máy tính.
Một ví dụ dễ hiểu, nếu người ta có thể làm một đường thẳng từ chân núi lên một đỉnh núi cho khách tham quan để tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian di chuyển, thì các kỹ sư cầu đường đã làm rồi chứ đâu phải khảo sát tùy địa hình từng núi mà làm đường ở triền núi hay làm cáp treo.
(Xem thêm: Tiếng Việt đang bị biến dạng)
Đó là chưa kể nếu nghiên cứu hướng đến xã hội, người công bố luôn thận trọng trước phản hồi của người tiếp nhận, bằng cách sẽ đề nghị chia giai đoạn công bố và áp dụng cụ thể.
Ví dụ: giai đoạn một là công bố sơ lược phát kiến và thăm dò phản ứng của tất cả mọi người (vì là đề tài liên quan đến xã hội). Nếu nhận phản hồi tích cực sẽ tiếp tục giai đoạn hai bao gồm phát kiến ở cấp chi tiết, từng bước thay đổi ra sao để xã hội thừa nhận, thích ứng, tâm phục, khẩu phục. Nếu không tích cực thì sẽ hiệu chỉnh hoặc dừng lại hẳn.
Nhưng dường như công trình của cụ chỉ xoáy quanh kết quả của thay đổi sẽ ra sao mà thiếu vắng khá nhiều cơ sở khoa học tiền đề như những điều cơ bản tôi sơ lược ở trên.
Liệu 16 trang của cụ có trang nào ghi lại kết quả khảo sát toàn cảnh Tiếng Việt từ Bắc tới Nam; những tiếp thu, cải tiến, phản hồi, thay đổi... từ chữ viết đến phát âm..., ở mỗi vùng miền trong vòng 40 năm trước khi ra công bố?
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.