Những người bạn Việt Nam đã nói với tôi rằng tôi ngày càng giống người Việt vì tôi nói tiếng Việt. Họ đã nhận xét như vậy ít nhất một lần. Các bạn của tôi ở Canada cũng có nhận xét tương tự. Có lần khi tôi gặp một người phụ nữ trong một quán cà phê, cô ấy ngạc nhiên về vốn tiếng Việt của tôi và nói rằng tôi giống người Việt quá. Cô ấy hi vọng sẽ gặp một người phương Tây đích thực. Do đó, tôi đã khiến cô ấy thất vọng.
Điều này có nghĩa là sự khác biệt về ngôn ngữ dẫn đến sự khác biệt lớn trong cách nghĩ. Có thể đúng khi cho rằng mỗi ngôn ngữ là hiện thân của một thế giới quan do vậy những người nói ngôn ngữ khác nhau thì có thế giới quan khác nhau.
Ví dụ trong tiếng Việt, hệ thống đại từ nhân xưng rất phong phú, gần giống như một bảng xếp hạng. Hệ thống đại từ nhân xưng này được dùng tùy vào trường hợp cụ thể nhằm thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. Ví dụ như hai người bạn mới gặp nhau, họ thường hỏi lẫn nhau rằng: “Bạn bao nhiêu tuổi?” hoặc “Bạn sinh năm mấy?”. Ngoài ra hệ thống đại từ nhân xưng của Việt Nam được dùng để thể hiện sự quan tâm, tôn trọng người lớn tuổi.
Một ví dụ khác là bạn không nên nói "rất tốt" với một người lớn tuổi. Câu này chỉ dành cho người lớn tuổi khen người trẻ tuổi. Tuy vậy, trong tiếng Anh không có đại từ nhân xưng để phân biệt người lớn tuổi hay người trẻ tuổi.
Ở Canada, chỉ có hai đại từ "bạn" (You) và "tôi" (I). Đối với người phương Tây, tuổi tác không phải là một vấn đề quan trọng do vậy sự tôn trọng không được thể hiện thông qua đại từ nhân xưng.
Ở Canada, ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng và thường được thực hiện rất nghiêm túc. Trong tiếng Anh, để đánh giá mối quan hệ tương lai của hai người, họ phải quan sát hành vi và quan điểm cá nhân của nhau. Thỉnh thoảng ở Việt Nam, có một số người chọc tôi trong lần đầu tiên gặp nhau và điều này khiến tôi cảm thấy khó chịu.
Phân biệt “hiện tại” và “tương lai” cũng khác nhau trong một số ngôn ngữ. Ngữ pháp tiếng Đức không có sự phân biệt rõ ràng “thì tương lai” và “thì hiện tại” nhưng tiếng Anh thì phân biệt khá rõ. Tiếng Việt có dùng trợ động từ (auxiliary verb) “sẽ” để chỉ thì tương lai nhưng ít được sử dụng trong văn nói. Nhưng trong tiếng Anh, bắt buộc phải dùng “will” (sẽ) để nói về tương lai.
Vì phân biệt rõ “tương lai” nên nhiều người dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền ví dụ như “tôi sẽ tiết kiệm bao nhiêu tiền vào ngày mai, hoặc bao nhiêu vào ngày mốt…” Ngược lại, cá nhân tôi thấy nhiều người Việt giỏi tiết kiệm tiền hơn so với những người tôi biết ở Canada, có lẽ… do họ ít khi sử dụng trợ động từ “sẽ” trong văn nói.
Một ví dụ khác về việc ngôn ngữ ảnh hưởng đến hành vi chính là các ngôn ngữ lịch sự được dùng nhiều trong tiếng Nhật, chủ yếu cho các doanh nghiệp. Trước khi thương vụ kinh doanh có thể được tiến hành, cả hai bên đều phải lịch sự với nhau và quan sát cách nói chuyện của nhau. Trong tiếng Đức, có nhiều từ vựng khác nhau dành riêng cho các tầng lớp khác nhau, dựa trên giáo dục, địa lý, hoặc di sản. Trong tiếng Thụy Điển, sự so sánh khá đơn giản và hầu như không có tính phân biệt.
Nhà vua đầu tiên của nước Đức Charlemagne khẳng định rằng ai biết hai ngôn ngữ nghĩa là sở hữu một linh hồn thứ hai (có 2 linh hồn). Tôi gần như cảm thấy như vậy khi nói chuyện với bạn bè nước ngoài của tôi hay khi nói chuyện với những người bạn ở Việt Nam.
Tôi hiện vẫn chưa nắm rõ các hệ thống đại từ nhân xưng ở những nước tôi đến. Nhưng sống ở các vùng khác nhau, tôi nhận ra rằng tôi phải dùng đại từ nhân xưng thích hợp để dành sự tôn trọng cho những người lớn tuổi hơn tôi.
Khi học tiếng Việt, tôi có thể tương tác với nhiều người hơn và qua đó hành vi của tôi chắc chắn đang thay đổi, có thể là do sự ảnh hưởng của văn hoá, hành vi của người khác, hoặc do ngôn ngữ.
>> Xem thêm: Giáo viên Tây chỉ 1.001 bí quyết học tiếng Anh cho người Việt
Chia sẻ bài viết của bạn về dạy và học tiếng Anh, tiếng Việt tại đây.