Người gửi: Út Thậm
Trong mấy năm trở lại đây vấn đề dạy và học 2 môn Văn học và Lịch sử nước ta càng trở nên "nóng" hơn. Qua mỗi đợt thi, đều có những câu văn, những thống kê số điểm thì làm bất cứ một ai yêu đất nước, yêu lịch sử, yêu con người, yêu văn học Việt Nam càng thêm suy ngẫm. Vậy lời giải nào cho bài toán Văn học và Lịch sử Việt Nam?
Những năm học phổ thông, quả thực tôi cũng rất sợ 2 môn này. Không phải vì nó quá khó, mà vì không có sự hấp dẫn tôi khi học như những môn tự nhiên. Cũng rất may mắn, tôi được học với một số giáo viên trẻ, thực sự nhiệt tình và luôn đưa ra cho học sinh những tìm tòi thú vị trong môn học.
Tôi đã yêu lịch sử từ khi tôi biết được lịch sử đấu tranh dân tộc ta. Tôi yêu sử qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi yêu sử qua cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979. Tôi càng yêu hơn khi chính những người thân quanh tôi đã trải qua cuộc chiến này, có hy sinh, có mất mát.
Tôi yêu văn từ khi tôi biết ngẫm về lời ru của mẹ, tôi yêu văn từ khi tôi biết buồn, biết nhớ và biết yêu thương. Chính những người thầy, người cô mà tôi được học đã chắp cánh cho những vần thơ, lời văn, những trang sử hào hùng, những bài ca kháng chiến đi vào hồn tôi.
Hơn bao giờ hết trong lúc này, khi là một sinh viên ngồi trên giảng đường tôi càng yêu hơn 2 môn Văn học và Lịch sử, tôi ra sức tìm hiểu cội nguồn, để thêm tự hào về dân tộc, thêm sức mạnh để phấn đấu học tập xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng đã là hơi chậm.
Giá như, những ngày xưa, tôi được biết về lịch sử nhiều hơn, giá như tôi hiểu được những câu ca dao, tục ngữ đầu sâu sắc này. Giữa cuộc sống bộn bề bon chen, khi mà văn hóa nghe nhìn nhiều hơn văn hóa đọc. Cũng không thể trách được giới trẻ hiện nay lãng quên những bài văn, câu nói, lãng quên đi những trang sử hào hùng.
Trước tiên phải trách tại gia đình đã quên đi trách nhiệm truyền cho con cháu tình yêu lịch sử, yêu văn học. Còn với xã hội, cũng thật là khó khi chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế, nhà nhà kinh thế, ngành ngành kinh tế. Lợi ích kinh tế đặt quá cao có khi xem nhẹ tuyên truyền lịch sử.
Những bộ phim, chương trình phát sóng trên truyền hình có rất ít những tác phẩm lịch sử nước nhà, mà ngược lại phần lớn các tác phẩm lịch sử đều nói về lịch sử nước ngoài. Đất nước ta, dân tộc ta, những trang sử vẻ vang đó, há không thể dựng thành phim, không thể sánh cùng lịch sử năm châu sao?
Một câu nói mà chắc hẳn ai yêu đất nước này đều biết: “Dân ta phải biết sử ta” có thế thì mới yêu nước được, mới có động lực để học tập, phấn đấu được.
Với văn hóa nghe nhìn của giới trẻ hiện nay thì đọc một tác phẩm văn học viết quả là khó. Tính tiện lợi của truyện tranh nội dung thì phong phú, vậy mà vẫn thiếu nhiều những câu chuyện lịch sử, bài học lịch sử. Mặt khác những loại chuyện tranh nội dung và hình ảnh thiếu lành mạnh vẫn chưa được quản lý sát sao, cũng gây ra nhưng suy thoái về lối sống và cách nhìn nhận con người.
Không dám lạm bàn về giáo dục, nhưng cũng đã thấy mấy năm trở lại đây giáo dục nước nhà cũng đã có những bước tiến rõ rệt. Tuy còn một số hạn chế nhỏ nhưng phương pháp dạy và học cũng được cải tiến rất nhiều rồi. Xong việc học tập tại trường lớp vẫn có tình trạng học sinh xem “môn chính, môn phụ”.
Thiết nghĩ, bấy nhiêu môn học chẳng có môn nào là không quan trọng. Theo tôi nên chọn ra mấy môn sau là môn bắt buộc trong mọi kỳ thi tốt nghiệp: Toán, Văn, Lịch sử, Ngoại ngữ. Thiếu Toán thì không có tu duy logic, thiếu Văn thì không biết giá trị của lời nói, câu chữ, thiếu Sử thì không biết cội nguồn, không biết yêu dân tộc, đất nước, thiếu Ngoại ngữ thì không thể phát triển cùng năm châu.
Việc học Lịch sử và Văn học còn là vấn đề khó khi mà học sinh chưa có tình yêu và đam mê với 2 môn học này. Để truyền được tình yêu đó vào thế hệ trẻ cần có sự hết lòng của cấy thầy các cô từ bậc tiểu học đến những bậc học cao hơn nữa, của gia đình và của toàn xã hội.
Hy vọng trong thời gian tới, thế hệ trẻ sẽ được biết về lịch sử và văn học nước nhà nhiều hơn.