Đêm đầu đông, trời lạnh.
Sau một chuyến công tác xa về đến Hà Nội, một mình tôi lại gõ nhịp trên con ngõ nhỏ quen thuộc của phố chùa Láng. Trong cái tĩnh mịch của đêm muộn phố thị, chỉ có tiếng bước chân tôi và vài tiếng rao đêm: “Ai khoai nóng, bánh dày, bánh giò đi... i... i...”. Chỉ cần có vậy, bao kỷ niệm xưa cũ của thời sinh viên thiếu ăn, thiếu mặc lại ùa về. Có điều, nó ấm lòng đến lạ trong cái lạnh giá của mùa đông.
Tiếng rao không lớn lắm nhưng lại rất vừa tai cho những ai chưa vội ngủ. Thú thực, lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe tiếng rao đêm, chẳng biết tại tôi vô tình, hay tại tiếng rao đêm giờ hiếm quá.
Ngày tôi còn là sinh viên, tiếng rao và gánh hàng rong khá quen thuộc và thường nhật, nhưng một vài năm gần đây, bộn bề công việc cuốn tôi xa những tiếng rao thuở nào. Lâu nay trên phố, cũng thưa thớt hơn những bận gặp hàng rong. Và trong miên man suy nghĩ, tôi lại chợt liên tưởng và so sánh, để rồi thảng thốt, Hà Nội sẽ ra sao, nếu một ngày, cả tiếng rao kia và hình ảnh gánh hàng rong không còn tồn tại?
Tôi từng thấy nhiều du khách nước ngoài, lững thững trên phố cổ Hà Nội, trên tay là chiếc máy ảnh, say sưa ngắm nhìn rồi ghi lại những hình ảnh của gánh hàng rong. Không phải ngẫu nhiên, những hành động ấy đều bắt nguồn từ tình yêu, hay chí ít là chút cảm tình, thiện cảm của họ về đất nước con người Việt Nam. Và sự thiện cảm ấy lại bắt nguồn từ những thứ tưởng chừng rất nhỏ, rất đơn giản: "Hàng rong".
Hàng rong ư? Nó quá gần gũi, thân quen với những ai đã từng sống ở thủ đô, càng gần gũi hơn nếu là dân gốc Hà Nội. Nó không chỉ gợi nhớ một hình ảnh Hà Nội xưa, mà còn là dấu gạch nối quan trọng của quê và phố.
Cùng với thời gian, theo sự vận động tự nhiên của dòng chảy văn hoá, hàng rong không mất đi, và hình như nó không thể mất đi, dù cả trong bom đạn chiến tranh. Ai không một lần thảng thốt khi giữa trời khuya chợt nghe tiếng rao đêm? Hàng rong đấy!
Hàng rong bản thân nó đã chứa đựng cả một câu chuyện văn hoá, mỗi người bán hàng cũng gánh trên mình một câu chuyện về cuộc đời, về số phận. Chắc hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng, không có một tỷ phú nào, hay không có một ai khi đã có một cuộc sống no đủ lại chuyển nghề hoặc chọn bán hàng rong làm kế sinh nhai?
Nói như thế không phải “chê” những người bán hàng rong là “cùng đinh”, nhưng chắc chắn, đó đều là những con người lao động, kiếm sống bằng một nghề. Có bao câu chuyện về một người mẹ ở quê ra Hà Nội bán hàng rong nuôi mấy người con học đại học... Hàng rong đấy!
Tôi từng nghe kể, có người Việt xa quê, hồi hương rồi tìm lại tiếng rao đêm. Họ tìm đủ mọi cách ghi âm lại tiếng rao, rồi đem đến phương trời nọ, để sưởi ấm lòng những khi trống vắng, nhớ nhà.
Rồi có lần đọc báo, tôi được biết giáo sư văn học Kevin Bowen, giảng viên trường Đại học Massachusetts, đồng thời là một nhà thơ, ông cũng từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, từng sống nhiều, viết nhiều về Việt nam bày tỏ về hàng rong như sau:
“Thật tiếc biết chừng nào khi vẻ đẹp ấy một ngày sẽ không còn nữa. Tôi đã đến Hà Nội hàng chục lần. Tôi muốn sống trong tinh thần của những gì đã làm nên Hà Nội”. Đấy có phải là một phần “hồn” của Hà Nội gây ấn tượng với du khách quốc tế hay không? Tôi nghĩ chắc mỗi chúng ta đều đã có câu trả lời cho riêng mình rồi.
Tôi cũng từng thấy nhiều hình ảnh về “gánh hàng rong” của Việt Nam, mà đặc trưng nhất là hàng rong Hà Nội trên các tạp chí nước ngoài. Nhiều du khách còn thổ lộ, họ cảm thấy bình yên khi nhìn thấy các bà, các chị đội nón, gánh trên vai gánh hàng rong. Hay một đôi bạn (cũng có thể là người yêu), ngồi ăn quà bên gánh hàng rong. Bình yên và thật Việt Nam, thật Hà Nội.
Hàng rong, đâu đó vẫn có những sự phiền lòng về nó, khi là vì lý do níu kéo, đeo đuổi và gây phiền hà cho khách du lịch, khi là sự “nhếch nhác” trên phố với thói quen xả rác bừa bãi của cả người bán và kẻ mua, nhưng ở góc độ văn hoá, hàng rong xứng đáng được bảo tồn. Tiếc rằng, trong các hạng mục mà thủ đô đưa ra để bảo vệ và gìn giữ, hàng rong lại chẳng thể chen chân vào, thậm chí có độ, người ta còn định khai tử nó.
Văn hóa Tràng An vốn chẳng phải thứ gì ghê gớm quá, mà nó được tạo nên bởi chính những bức tranh dung dị của cuộc sống, của thói quen sinh hoạt thường nhật của con người nơi đây, và hàng rong cũng là một hình thái như thế.
>> Xem thêm: Giật mình nhớ về Hà Nội
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.