Chiều Sài Gòn tấp nập người xe. Một mình ở góc quán quen, bên ly cà phê đã cạn, tôi nán ngồi lại để tránh giờ cao điểm của phố thị. Mọi khi, cô bạn thân vẫn cùng ngồi lại giết thời gian vào những lúc như thế này...
Điện thoại khẽ reo, một tin nhắn của người bạn vừa nhớ tìm đến. Rất ngắn gọn: “Sài Gòn nhớ Hà Nội không?”. Chỉ là câu hỏi đơn giản vậy, nhưng sao lòng cảm thấy nôn nao lạ. Đâu phải chỉ có Hà Nội, Sài Gòn cũng nhớ Hà Nội lắm, dù chỉ là người-kẻ-lạ đến rồi đi!
Bỗng dưng thấy đồng cảm lạ với bài hát Nhớ một chiều Hà Nội (lời: Mai Văn Phấn, nhạc: Nguyễn Hồng Sơn) qua tiếng hát của ca sĩ Ngọc Tân:
Có một chiều nao Hà Nội
Cất lên từ ngực biển đầy
Cả dấu chân em ngày ấy
Mắc vào tấm lưới anh vây…
Bất chợt tự mỉm cười với ý nghĩ, tác giả còn lởn vởn trong ký ức một cô em Hà Nội để mà thốt lời nhớ nhung. Còn mình, chẳng lẽ lại nói “cô em Sài Gòn” nhớ… “cô em Hà Nội”? Kỳ quá đi mất!
Nỗi nhớ về một Hà Nội hồn nhiên, trong trẻo. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tiếng hát ca sĩ Ngọc Tân vẫn như hơi thở mùa đông… ấm áp trời chiều Sài Gòn:
Như vừa vang trong lòng tay
Lối xưa động thềm sấu rụng
Tiếng chim treo vào heo may
Trong lá khô rơi còn đây.
Hà Nội khiến lòng người chếnh choáng với những con đường rợp bóng lá vàng rơi, với món sấu dầm chua ngọt vẫn còn đọng nơi đầu lưỡi, với bát nước chè nóng hổi giữa đêm đông giá rét… Lần đầu tiên, tôi đặt chân đến Hà Nội vào lúc chớm đông. Đường phố phủ đầy những chiếc áo dầy cộm, còn tôi thì ăn mặc phong phanh như đang đứng giữa trời Sài Gòn.
Tôi nhớ ánh mắt khi ấy của những người xung quanh, nhìn tôi đầy… ngưỡng mộ. Thế nhưng chẳng mấy chốc, tôi đã run lên cầm cập, quáng quàng tìm mua cho bằng được một chiếc áo lạnh mùa đông trong dáng vẻ đầy đắc ý của cô bạn thân!
Rồi cũng nhanh chóng, tôi bị tiết trời thu Hà Nội quyến rũ, ngất ngây và say mê gom những chiếc lá khô tung lên cao cho rơi lả tả. Tôi thích cảm giác được chạy xe loanh quanh trên những con phố, hay thả bộ quanh Hồ Gươm để đắm chìm trong trời mây - cá nước và nhâm nhi những món ăn vỉa hè khoái khẩu của con gái.
Hồ Gươm tựa hồ biển lặng
Tháp Rùa đứng đó buông neo
Mặt người thành mây soi bóng
Nỗi buồn biêng biếc rong rêu
Hà Nội trải qua bao thăng trầm, cổ kính và rong rêu. Có lẽ chính điều đó đã tạo nên sức hút mãnh liệt đối với mỗi con người. Niềm vui thanh bình như hôm nay có được từ sự hy sinh thầm lặng của biết bao máu xương từ cha anh đi trước. Ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất và khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, luôn soi sáng đường cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Trời Hà Nội đang vào thu. Người Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đang nô nức đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một dấu son lịch sử chói ngời. Bất chợt mấp máy nơi khóe môi, tôi chợt khe khẽ:
Hà Nội ơi, Hà Nội ơi…
Một cánh diều thả bằng sợi dây thương nhớ
Níu nghiêng cả mặt biển chiều
Nước dâng dạt dào sóng vỗ.
Nhớ một chiều Hà Nội 36040
Nhạc: Nguyễn Hồng Sơn Nhà thơ Mai Văn Phấn, hiện sống và sáng tác ở Hải Phòng. Anh viết bài thơ Nhớ Hà Nội trong một chiều cuối thu năm 1995 trên chuyến ca-nô cao tốc, chợt nhìn thấy kỷ niệm lung linh, một mối tình tuyệt đẹp hiện lên trên mặt biển rộng. Nhà thơ kể, mặt trời lúc ấy như “hòn lửa” gần chạm vào đường chân trời. Anh nhìn thấy những cánh tay trần rắn chắc của ngư dân đang tung tấm lưới rộng vào trời chiều. Trong lấm tấm vảy bạc mắt lưới có dấu chân người con gái anh yêu, cả bàn tay mềm mại, những nụ hôn cháy bỏng vẫn còn ở đó… Nỗi nhớ Hà Nội đã cuộn lên trong anh những đợt sóng lớn, như thôi miên, trùm lấp anh. Thủ đô lúc ấy đã bay lên trong ký ức anh như một cánh diều tuyệt đẹp. Nỗi nhớ Hà Nội của anh chính là sợi dây diều mà anh đang níu giữ. Dây diều ấy đã kéo biển chiều xô nghiêng, làm những đợt sóng trong lòng anh cứ vỗ mãi… Bài thơ Nhớ Hà Nội được nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn (cũng là người con của Hải Phòng) đồng cảm phổ nhạc thành ca khúc Nhớ một chiều Hà Nội. Trùng hợp đặc biệt, bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn viết khi anh đang lênh đênh trên thuyền ngắm vịnh Hạ Long. |
Lê Thị Mỹ Lam
Cảm xúc của bạn khi nghe bài "Nhớ một chiều Hà Nội" và đọc bài viết này?