Sau khi bài viết "PGS Bùi Hiền công bố bản hoàn chỉnh đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ" đăng tải, VnExpress đã nhận được hàng trăm bình luận của độc giả.
"Nếu theo bảng chữ mới này thì cả nước mù chữ phải đi học lại từ mẫu giáo"- Bạn đọc Đức Huy thốt lên.
Đa số ý kiến của độc giả đều cho rằng chữ quốc ngữ hiện tại đã chuyển tải đầy đủ ý nghĩa của tiếng Việt, nên không cần cải cách thay đổi.
Độc giả AnhTuan67: "Ngôn ngữ mang tích lịch sử và đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia. Yêu cầu tính logic trong ngôn ngữ là không thể. Ngay cả tiếng Anh viết một kiểu đọc một kiểu người ta cũng vẫn phải chấp nhận. Theo ý kiến của PGS thì các ngôn ngữ có chữ viết phức tạp như tiếng Hoa, Nhật, Thái.. cũng phải chuyển đổi hết sang ký tự latin cho dễ dùng?! Chưa kể kho tàng kiến thức cùng hệ thống văn bản, bảng hiệu, nhà hàng, đường xá, giấy tờ, bằng cấp, máy móc... phải đổi hết thì tốn bao nhiêu tiền tài vật lực của xã hội".
(Xem thêm: Ngôn ngữ 'teen' đang phá hủy sự trong sáng của tiếng Việt)
Bạn đọc có nickname 8-N cho rằng: "Tôi thấy tiếng Việt mình hiện nay từ ngữ rất phong phú, rất mượt mà, rất hoàn thiện và rất có cảm tình. Việc PGS "phát minh" cách viết tiếng Việt "kiểu mới" đấy là đứng trên quan điểm riêng cá nhân PGS, nên chúng ta cần tôn trọng như những ý kiến cá nhân khác, như một công dân khác. Còn cách viết tiếng Việt "mới" dùng được hay không, cộng đồng đón nhận hay không lại là chuyện khác".
Bên cạnh đó, nhiều độc giả đã chỉ ra những bất cập của cách viết tiếng Việt mới này:
"Tôi rất phục PGS Bùi Hiền đã dành thời gian nghiên cứu 40 năm, nhưng chỉ phát âm một số từ này thì tôi mất niềm tin ngay lập tức, đó là âm: "ch" và âm "tr", hai âm này đọc khác nhau hoàn toàn cả âm và nghĩa, thế mà đánh đồng cách viết thành "c" thì tôi không phân biệt nổi".
Tiếp tục, bạn đọc có nick pvhoalg nêu ví dụ:"Tôi thắc mắc chữ: Ra vào, Da thịt, Gia đình bây giờ cả ba từ Ra, Da, Gia đổi thành duy nhất một từ "Za" hay sao? Làm sao mà toát lên hết ý nghĩa của các từ trên?"
"Tôi tên Châu, bây giờ chuyển "ch" và "tr" thành "c", vậy người khác đọc tên tôi là châu hay trâu...?!- Một bạn đọc tên Châu thắc mắc.
"Cô giáo đọc "một trâu", học sinh viết "một câu", lúc đọc sẽ nhìn thấy chữ "câu", vậy đọc thế nào để biết nó là "trâu","châu" hay "câu"?
(Xem thêm: Chàng trai Tây thay đổi hành vi vì học tiếng Việt)
Rất ủng hộ những đóng góp cải tiến cho nền giáo dục nước nhà nhưng tôi thấy việc học bộ chữ này cũng không phải là khó khăn gì. Tuy nhiên, PGS Bùi Hiền lại gom âm "tr" và "ch", "s" và "x", "r" và "d" làm một thì không ổn, vì các âm này hoàn toàn khác nhau. Nếu đánh đồng như vậy, vô hình chung chúng ta làm mất từ của tiếng Việt. Thêm nữa, ông Hiền đưa vào chữ cái "J" có giá trị như "Gi", nhưng chữ cái "Z" cũng có giá trị như "Gi" thì vẫn còn lủng củng, không giải quyết được vấn đề giản lược như ông nói. Rõ ràng là cũng có những cải tiến trong đề xuất của PGS Bùi Hiền, nhưng tôi không ủng hộ việc loại bỏ bớt từ của tiếng Việt thông qua việc cải tiến chữ quốc ngữ của ông"- Bạn đọc Thiên phân tích.
Bạn có nick Chimotlanthoi nêu vấn đề: "Đọc, viết ra một đoạn văn được...nhưng từ đoạn văn đó không dịch ra được nội dung ban đầu chính xác được.
Tức là a =>b được nhưng b=> a thì lạc đường".
Bên cạnh việc chỉ ra những khuyết điểm của công trình nghiên cứu, nhiều độc giả cũng bày tỏ sự trân trọng tâm huyết của PGS Bùi Hiền: "Đây đích thực là một công trình nghiên cứu khoa học thực thụ cho dù có được ứng dụng hay không. Xã hội muốn phát triển thì cần nhiều hơn nữa những nghiên cứu hơn nữa"- Độc giả Thanh Phong Nguyen bày tỏ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
>> Xem thêm: 'Tiếng Việt thành Tiếq Việt' và phản biện văn hóa