Clip ông Tây điều khiển giao thông ở thủ đô ở Hà Nội ngay sau khi lên báo đã nhận hàng ngàn lượt phản hồi từ phía độc giả. Hầu hết là những bức xúc và cảm thấy xấu hổ vì những hành động của một số người Việt.
Độc giả Đỗ Hoàng Hiệp xúc động: “Tôi đã rơi nước mắt khi xem clip, thật cảm kích hành động của ông Tây kia và đau lòng trước hành động chống đối của những người điều khiển phương tiện giao thông”.
Nhiều bạn đọc cùng chung nhận xét rằng thật buồn cho người tham gia giao thông ý thức kém. Lực lượng CSGT mỏng mà người thiếu ý thức giao thông thì không giảm. Độc giả Phương Cúc nhìn nhận: “Khi một người nước ngoài phải ra đứng đường làm công việc của một điều phối viên giao thông thay cho CSGT mà nhiều người còn cố tình phớt lờ thì thiết nghĩ chúng ta phải lấy làm xấu hổ với ý thức của mình mới đúng".
Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tắc đường, nguyên nhân chính cũng chỉ vì xe này lấn sang làn đường của xe đi ngược chiều, để rồi tắc càng thêm tắc, và cảm thấy bất lực.
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục ý thức giao thông yếu kém và chế tài xử phạt vi phạm quá nhẹ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người Việt vô ý thức trong giao thông. Nên kết hợp phạt tiền và phạt lao động công ích mới mong giảm được tình trạng này.
Bạn đọc tên Cao đề nghị nên bổ sung luật cho phép giam giữ người có hành vi chống đối, thách thức lực lượng giữ gìn trật tự giao thông ít nhất một ngày và giam xe ít nhất một tháng. Hy vọng chỉ có phạt thật mạnh tay mới thay đổi ý thức giao thông cực kém của họ.
Còn độc giả Nguyễn Thanh Bình hiến kế: "Nhà nước sẽ trích một khoản tiền thu nộp phạt giao thông ra mua cuốc, xẻng, chổi, khẩu trang, ủng, quần áo có màu sắc đặc trưng (in chữ "lao động công ích vì vi phạm giao thông" chẳng hạn), và buộc lao động công ích từ 1-3 ngày.
Công việc là quét dọn nơi công cộng, siêu thị, đường phố, vườn hoa, công viên... Không cho phép nộp tiền thay cho lao động. Giao một bộ phận công an quản lý việc này, cho phép cưỡng chế phạt giam 2-4 ngày nếu chống lệnh. Luôn đặt camera theo dõi suốt quá trình lao động để tránh các hiện tượng tiêu cực".
Tuy nhiên cũng có một số người cảm thông cho hành động đi ngược chiều của những người vi phạm vì những bất cập trong thiết kế xây dựng tuyến đường, cho rằng hành động đi ngược chiều của người dân là “tình thế ép buộc”.
Độc giả có nickname Hoàng Lão Tà cho biết: “Xin lỗi là cái ngã ba này ở gần cơ quan mình, ngày nào mình cũng đi ăn trưa vào cái đầu ngược chiều này. Thực ra chỗ này bố trí đường rất không hợp lý. Một bên đường rộng thênh thang không ai đi, một bên thì bé tí nhưng lại là điểm đỗ xe bus của nhiều tuyến (cổng công viên Thống Nhất).
Thế nên giờ cao điểm thì bên tay phải chật cứng, bên trái chả ai đi, buổi trưa thì càng vắng nên nhiều người đã đi ngược sang bên kia đường.
Biết là sai phạm nhưng nhiều người vì nhiều lý do đã bao biện và đi ngược chiều”.
Trở lại với việc làm của ông Tây, độc giả Nguyễn Trinh bày tỏ: “Tôi bắt gặp hình ảnh một anh "tây ba lô" đứng chờ đèn dành xanh cho người đi bộ dưới trời mưa tầm tã. Hình như Luật giao thông đã ngấm vào máu của họ. Ước gì người Việt Nam ta cũng học tập được điều đó".
"Con người là động vật thông minh nhất, có ý thức nhất quả đất. Vì vậy hãy đề cao ý thức hỡi mỗi người Việt Nam”- độc giả Ngô Văn Dân kêu gọi.
Thạch Lam