Tháng 8 mùa thu đang trôi về những ngày cuối cùng để nhường chỗ cho tháng 9 - thời điểm mà một năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Tuy nhiên, đó chỉ là mốc thời gian đánh dấu thứ được gọi là thông lệ vẫn diễn ra hàng năm mà thôi.
Với các em học sinh, năm học mới đã bắt đầu từ tháng 7, khi mà lũ ve vẫn còn đang phải gân cổ lên để làm nhiệm vụ nhắc nhở mọi người rằng "mùa hè chưa hết đâu", khi mà hoa phượng trên cây vẫn còn tỏa sắc thắm... thì lúc ấy các em học sinh đã phải xách cặp tới trường.
Các bô lão chắc hẳn sẽ nghĩ: "Sao giờ bọn trẻ học nhiều thế nhỉ? Thời chúng ta, cấp ba cũng chỉ có đến lớp 7, mà có được học nhiều thế đâu".
Thời ấy, ta còn mải đi bắt ve, câu cá, đi trăn trâu, cắt cỏ, thả diều, rong chơi suốt mấy tháng hè. Chỉ khi nào mấy chú ve mỏi mồm, thôi không kêu nữa thì học sinh mới phải đến trường chạy đua cùng con chữ.
Chắc thời mình, kiến thức còn ít hoặc là các thầy cô còn bận trăm công nghìn việc khác, thời gian đâu mà dạy. Có lẽ thế...
Chính việc học hôm nay của các cháu khiến các cụ nhớ về đôi chút tuổi thơ của mình, tuổi thơ trong trẻo được chơi thỏa sức mà không phải nơm nớp lo rằng "thôi chết, chuẩn bị đi học rồi". Bây giờ con trẻ, có lẽ đứa nào cũng ôm nỗi lo ấy đấy các cụ ạ.
Tôi có đứa cháu năm nay lên lớp 7, nghỉ hè bắt đầu từ cuối tháng 5, ấy vậy mà sang tháng 6, bố mẹ nó đã bắt đi học thêm cô này, thầy nọ, để các thầy cô ấy dạy trước cho chương trình lớp 7. Việc học sớm như vậy bởi vì lý do mai này có học cũng không bỡ ngỡ, còn theo kịp được các bạn.
Thậm chí, bố cháu còn tuyên bố: "Cho con mình học thêm những thầy cô mà mai sau sẽ dạy chúng ở lớp 7 để quen mặt đi. Lên lớp 7 thầy cô biết mặt, ưu tiên giúp đỡ cho việc học hành". Chả hiểu cái từ “giúp đỡ” cậu ta có cho vào ngoặc kép hay không nữa? Tôi đoán là có.
Đấy là chuyện của mấy tháng hè, khi mà lũ trẻ con còn đang được nghỉ ở nhà và “thỏa sức” với những môn học thêm. Giờ đây đang là cuối tháng 8, chúng đã “vác” cặp tới trường, gọi là tới trường chứ thực ra cũng chỉ là học thêm mà thôi, ôn lại kiến thức cũ và tiện thể học luôn kiến thức mới. Chuyện này không chỉ xảy ra ở thành phố mà nông thôn bây giờ cũng đang có mốt như thế cả.
Tôi tự hỏi sao bây giờ học sinh lại phải học lắm thế nhỉ? Mấy ngày hè cũng đã gọi là học, học trước kiến thức rồi mà. Giờ đi học ở trường há chẳng là học lại thôi sao? Có lẽ học đi học lại theo kiểu dùi mài kinh sử như thế chắc chắn các em phải giỏi giang lắm?
Nhưng sự thật đằng sau cái gọi là học thêm ấy thực chất cũng chỉ là học để lấy quan hệ mà thôi. Lạ nhỉ? Từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ đã ai nghe thấy kiểu học lấy quan hệ chưa? Phải chăng nó là kiểu kiến thức khoa học mới do một nhà phát minh đại tài nào đó phát minh ra?
Xin thưa, nó đúng là một phát minh mới đấy. Xong không phải là kiến thức khoa học, càng không phải là kiến thức đạo đức. Đơn giản nó là kiến thức dành cho các bậc phụ huynh, một cách gián tiếp để làm quen với các thầy cô giáo, hay nói đúng hơn là: "Con tôi có đi học thêm ở chỗ thầy, chỗ cô đấy. Thầy cô nhớ quan tâm tới các cháu nhiều hơn. Đừng trù ẻo nó nhé". Đại loại thế...
Hôm rồi tôi có dịp đến nhà một ông anh chơi, thấy đứa con của anh ta ngày chủ nhật cũng phải “bê”cái cặp to tướng đi học, nói là đi học thêm. Thằng bé phải học tận những 3 môn, sáng học Toán, chiều học Văn, tiếng Anh.
Tôi hỏi: “Sao con anh học lắm thế, cả tuần đi học ở trường, giờ nghỉ lại học, không sợ nó bị loạn chữ à?”. Anh cười nhếch mép rồi nói: “Ui giời! Học hành gì, học là để lấy quan hệ thôi mà. Nói thật với chú, mấy thầy cô ấy dạy thì cũng bình thường. Khổ cái là cô giáo chủ nhiệm lớp nó lại mở lớp dạy thêm, không học không được".
"Tôi cũng muốn con mình được nghỉ ngơi lắm chứ nhưng lại sợ không học thì cô giáo lại nghĩ này nghĩ nọ, rồi thiệt thòi cho con mình. Cả lớp nó học chứ có phải không đâu. Mất tiền một tí nhưng mà các cô quan tâm hơn. Thời buổi nó thế, chú mai kia có con rồi sẽ biết”, anh bạn tôi tiếp lời.
Có lẽ cái suy nghĩ “được quan tâm” của ông anh bạn tôi với cái suy nghĩ “được giúp đỡ” của bố đứa cháu tôi đang là suy nghĩ của hàng trăm người có con đi học.
Chẳng cần phải đợi có con tôi cũng đã biết rồi. Ờ thì đúng! Thời buổi nó thế đấy, giờ không theo kịp xu thế phát triển của thời đại thì gọi là lạc hậu, mà đi ngược lại nó thì gọi là phản bác. Tôi sợ lắm hai chữ phản bác lắm, thôi thì mai kia có con, tôi cứ cho nó học thế để đi kịp thời đại vậy.
>> Xem thêm: Con tôi vẫn giỏi dù không học thêm trước lớp Một
Quang Linh
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.