Hàng ngày, tôi thấy các cháu ở chung cư nghèo nhà tôi sau một ngày học vất vả ở trường, về nhà tắm vội, uống nhanh hộp sữa rồi lại lên xe ông, bà để đến nhà cô giáo học thêm.
Tiền học tới 400.000 đồng/cháu/tháng (không học thì khổ khi đến trường sẽ bị cô giáo hắt hủi). Thật là tội nghiệp và thương các cháu quá.
Tôi đã có 2 con: một đang học lớp 10 trường chuyên và một đang học lớp 3. Cả 2 con của tôi đều không học thêm từ lớp 1. Do gia đình muốn các cháu vào học song ngữ Việt - Pháp nên tự cho các cháu học ở nhà: làm quen với nét chữ, mặt chữ, tiếng Pháp để các cháu có thể thi đầu vào lớp song ngữ, sau đó các cháu đều tự học ở nhà.
Cháu lớn đến năm lớp 9 mới cho học thêm toán do một người bạn nhận đến dạy giúp ở nhà khi nào cháu cần. Thời gian học không gò bó, chỉ dạy những bài toán cơ bản và hướng dẫn cháu những dạng bài toán khó nhưng hàng năm các con tôi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Theo tôi nghĩ, các cháu học ở trường đã căng thẳng lắm rồi, để thời gian còn lại trong ngày cho các cháu giải trí, đọc thêm sách báo, xem phim và sinh hoạt với gia đình hay học những kỹ năng khác ngoài xã hội.
Các con tôi cần có một tuổi thơ đẹp để sau này chúng nó còn có cái để mà kể cho con cháu mình nữa chứ. Về việc học, cứ đến hè, tôi thường dẫn các cháu đi chọn sách tự học ở nhà, đó cũng chính là tài liệu để tôi nghiên cứu và giúp các con hiểu bài.
Ngày hè, ngoài việc cho các con tôi học các môn năng khiếu tự chọn như cầu lông, hoặc guitar, vẽ, bơi thì thời gian còn lại tôi để các cháu tự học ôn lại kiến thức cũ (trong thời gian cha mẹ đi làm). Cuối tuần tôi chỉ dạy các con thêm một số kiến thức các con sẽ học năm sau.
Khi mẹ đi làm là giờ các con tự làm các bài tập trong sách. Các con tôi tập phương pháp tự lập, tự nghiên cứu và tự kiểm tra. Khi nào bí lắm mới cần đến sự trợ giúp của đáp án, thậm chí tôi cũng không cần kiểm tra lại đúng hay sai.
Sẽ có quý vị phụ huynh phản đối cách học này, nhưng theo tôi đó là phương pháp mà tôi đã áp dụng thành công với cháu lớn, kết quả là năm cấp 1 cháu luôn đứng top 3 hoặc top 2 của lớp.
Năm cấp 2 cháu luôn đứng trong top 5 hoặc tệ nhất là top 7 (điểm trung bình của cháu luôn từ 9,1 trở lên, cao nhất lớp là 9,5) và cháu dư điểm để vào trường chuyên. Tuy không đạt thành tích cao như chúng bạn nhưng con của tôi không đến nỗi tệ phải không?
Trên đây là phương pháp của gia đình tôi với phương châm là "tự học là chính, không học thêm". Tôi luôn quan tâm sâu sát kết quả học tập của các con bằng cách khi đón con, tôi thường hỏi con kết quả học tập trong ngày.
Tôi để con kể các câu chuyện xảy ra trong lớp, kịp thời động viên khích lệ hay điều chỉnh thái độ học tập của con, cùng con tìm hiểu nguyên nhân khi con đạt kết quả chưa tốt để giúp con tháo gỡ.
Thế là hôm sau kết quả con tốt hơn và cứ như thế mẹ con chúng tôi cùng học. Quãng đường từ nhà về trường là thời gian mẹ con chúng tôi tâm sự, sẻ chia và học tập lẫn nhau đấy, đây là thời gian thật thú vị các anh, chị ạ. Có ai làm giống như tôi không?
Các bậc phụ huynh đừng vì sự kiêu hãnh, sự ganh đua của mình mà bắt con trẻ đánh mất tuổi thơ. Hãy để cho chúng tự phát triển tự nhiên (có sự định hướng, giáo dục của của cha mẹ).
Nhiều người vì thành tích, thích khoe khoang con cái với đồng nghiệp bạn bè đã vô tình gây áp lực cho con làm con mất đi sự hồn nhiên và vô tư của trẻ thơ.
Ngày trước, chúng ta không học thêm nên có nhiều kỷ niệm tuổi thơ để ngày nay chúng trở thành những câu chuyện làm quà cho bọn trẻ, khiến chúng mê tít và thèm khát có được tuổi thơ bình dị như của cha mẹ.
Học nhiều quá, chúng sẽ trở thành những con "gà công nghiệp" đấy các vị phụ huynh ơi. Chỉ nên cho chúng học thêm nếu thật sự cần thiết.
Nếu con chúng ta có thực lực, chúng sẽ tự phát triển theo tự nhiên. Nếu chúng ta gò ép, chúng sẽ miễn cưỡng đi theo và đến một lúc nào đó chúng sẽ bùng phát không kiểm soát được.
> Xem thêm: Chuyển sang trường dân lập vì sợ học thêm
Hải Vân
Chia sẻ bài viết về dạy, học thêm tại đây .