Hơn lúc nào hết, cha mẹ đang đặc biệt quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Ôi học hành, nó không chỉ là gánh nặng của các cháu- tuổi thơ, mà của cả cha mẹ.
Tôi đọc nhiều bài viết của các bạn chia sẻ trên VnExpress, thật tình ai cũng có lý của mình, không ai giống ai vì mỗi người đứng ở góc độ của mình để phân tích vấn đề. Tôi viết bài này khi thử đứng ở góc độ làm con, là đứa trẻ, là tuổi thơ cần được học, được chơi, được vui vẻ.
Các bậc làm cha mẹ cứ thử nghĩ mà xem, lúc nhỏ chúng ta thích gì. Vâng thích được đến lớp, nhưng không phải chỉ là học, mà ở đó còn có thầy cô, bạn bè.
Ở lớp chỉ học 45 phút là được nghỉ giải lao 5 phút, nhưng 5 phút ấy mới quý giá làm sao, được nói với bạn, cười đùa với bạn chơi với bạn dù chỉ một chút.
Gần hết buổi học ta chỉ mong sao tiếng trống trường vang lên để được tung tăng bay ra ngoài về nhà vui chơi, kể cả lao động phụ giúp mẹ. Chỉ đến giờ học bài ta mới ngồi vào bàn học nhưng với một tâm trạng thoải mái, vui vẻ và tự giác.
Một lớp lúc đó khoảng được 5 bạn học giỏi, 10 bạn học khá, còn lại là trung bình, học kém rất ít, chỉ 1-2 đứa, thậm chí không có.
Nhưng không hề có chuyện lớp 3 thậm chí lớp 5 mà có bạn nào đó đọc không rành chữ, làm toán cộng không xong. Thời đó hoàn toàn không có chuyện học thêm. Chẳng ai biết từ học thêm, học trước là gì. ( Xem thêm: Con tôi vẫn giỏi dù không học thêm trước lớp Một )
Lên cấp 2, cấp 3, số bạn học giỏi, học khá có giảm xuống nhưng thi đại học vẫn đậu nếu cố gắng. Nhưng có biết bao kỷ niệm về tuổi thơ với những buổi đi chơi, những ước mơ vươn lên từ khó khăn, gian khổ, từ những tháng ngày được rong chơi tung tăng nhất (nhà tôi đông anh em, gia đình rất nghèo).
Với suy nghĩ và cảm nhận về tuổi thơ của mình như vậy, khi có con tôi không ép các con đi học thêm mà chỉ khuyến khích con tự giác học ở nhà.
Con tôi từ lớp 1 đến lớp 9 không cháu nào đi học thêm nhưng các cháu đều đạt loại giỏi (mặc dù không xuất sắc lắm). Tôi cũng không đòi hỏi các con phải đạt điểm thật cao mà chỉ cần các con nắm vững kiến thức.
Môn sử con tôi không thích học thì tôi giải thích cho con biết tại sao phải học sử, học văn vì học hai môn đó là để làm người. Con tôi nhất trí và tự giác học tốt hơn.
Ngoài giờ học trên lớp, tối học bài, còn thời gian các cháu có thể phụ việc nhà hoặc đi chơi (cháu gái đi chợ nấu cơm từ lúc lên lớp 7, cháu trai đi đá banh). Nghỉ hè tôi cho các con về nội hoặc ngoại chơi, không phải học thêm ngày nào.
Lên cấp ba chương trình khó hơn, tôi hỏi con tôi có cần học thêm không, cháu tự thấy vài môn kiến thức chưa vững nên đi học thêm theo nhu cầu của cháu.
Hiện tại con gái lớn của tôi đã vào đại học năm thứ nhất, cháu trai đang học lớp 8, các cháu có nhiều bạn bè, vui chơi nhưng vẫn cố gắng học tập, không bị áp lực.
Tôi cũng biết là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng cũng vì vậy mà tôi rất mong các anh chị có con hiểu và nghe các con nói gì, từ đó định hướng và giúp con học tập - vui chơi.
Ép con học tập nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tâm hồn thơ ngây của các cháu. Cũng không cần thiết phải chạy đua theo điểm số học tập. Nhất là môn ngoại ngữ, vì muốn học môn này không chỉ siêng năng là đủ mà còn phải có năng khiếu nữa
Tôi chỉ mong các bậc làm cha mẹ cho các con thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng bạn bè (tất nhiên là có sự chú ý của cha mẹ).
> Xem thêm: Phụ huynh sung sướng vì cô giáo không dạy thêm
Hồ Xuân Hương
Chia sẻ bài viết về giáo dục tại đây.