Mẹ yêu,
Ở bên Mỹ không có tổ chức ngày 8 tháng 3 rầm rộ cho phụ nữ như ở nhà mình. Trưa, con tham dự một diễn đàn về quyền bình đẳng cho phụ nữ trong một thế giới phẳng, chiều lại có thảo luận về sức mạnh của phụ nữ góp phần làm thay đổi cục diện thế giới mới.
Bên này họ coi trọng ngày Tình nhân, ngày của Bố, ngày của Mẹ, ngày cưới, sinh nhật... Còn ngày 8 tháng 3 là ngày đấu tranh cho quyền phụ nữ. Ai cũng đi học, đi làm bình thường và cả trường tịnh không một bông hoa, một hộp quà, một lời chúc mừng nào dành cho phái đẹp cả.
Mẹ yêu,
Con vẫn không thể quên những trưa hè nắng gắt, mẹ đi làm ca, vẫn tranh thủ ngang qua trường mẫu giáo, ghé vào đưa cho tụi nhỏ bịch nước mía, lại tạt qua trường cấp 1, đưa con bọc bánh khoai.
Con vẫn không thể quên buổi tối đưa 3 chị em đi ăn kem, mẹ dặn "mỗi đứa một que thôi nhá". Nhưng 3 cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi lớn đâu có chịu. Hết que này tới que khác.
Mẹ rớt nước mắt nhìn chúng, nghĩ mai phải bán mảnh quần lụa đen thì mới đủ tiền nộp học cho 2 đứa nhỏ (hôm nay chúng ăn kem lẹm cả vào tiền học rồi). Nghĩ làm cách nào để có nhiều tiền cho các con ăn thoải mái mà không phải đếm, không phải tính như lúc này nữa.
Chao ôi là cái thời bao cấp, lúc mẹ một nách 3 con, mà bố thì đi nghiên cứu sinh ở Nga, 4 năm sau quay về với 10 vali sách.
Con cũng không quên lúc bão to, nước ngập nửa nhà. Mẹ vừa lo tát nước, vừa lo nấu cơm trong tình trạng củi ướt mèm và 3 đứa con lả đi vì đói và mệt. Lúc đêm hè oi nóng không đèn, không điện, mình mẹ thức quạt nan liên tục cho 3 đứa nhỏ nằm úp thìa dưới sàn gạch.
Con không quên cái bàn nơi mẹ đứng cắt may. Tay kéo, tay thước, mẹ nuôi 3 đứa ăn học. Những viên gạch mờ hết cả hoa, trũng hết cả đá nơi mẹ đã đứng.
Viết đến đây con lại rơi nước mắt. Nhà mình sửa lại bao lần, nhưng riêng phần gạch hoa đó luôn được trang trọng giữ lại, vì nó in dấu kỷ niệm cả tuổi thơ chúng con và thời bao cấp không thể quên của bố mẹ, của cả đất nước mình ngày ấy.
Nhớ lắm phải không mẹ?
Khó như vậy, đói như vậy mà chúng nó vẫn mang giải nhất, giải nhì toàn quốc về cho mẹ. Mẹ mừng rơi nước mắt khi các thầy cô sang nhà chúc mừng. Bố thì bế con xoay vòng vòng (dù con đã lớn lắm rồi) “con gái rượu của bố, bố quyết định thưởng cho mấy đồng mua bi về bắn thoải mái nhá!!!”.
Vậy đó, phần thưởng của ngày xưa, chỉ là túi bi đất đủ màu xanh đỏ để chơi bắn bi với trẻ con trong xóm.
Rồi tụi con cũng trưởng thành. Kinh tế bớt khó khăn nhờ ý chí phấn đấu của cả bố và mẹ.
Rồi chúng con cũng có sự nghiệp riêng. Con ra trường mê mải đi làm không nghỉ. Các em học thạc sĩ bằng học bổng toàn phần tại các trường danh tiếng thế giới.
Bất kỳ một dịp trọng đại nào, chị em con cũng mặc áo dài mẹ may, in hình đất nước Việt Nam tựa lưng vào khối lục địa lớn nhất, hướng mặt ra đại dương lớn nhất. Còn hạnh phúc nào bằng, phải không mẹ?
Mỗi lần được các ông, bà dưới quê hỏi về chúng con, mẹ đều lúng túng: "Dạ để con hỏi lại các cháu nó, tên Tây khó nhớ lắm ạ." Rồi quay sang mắng yêu con: "Bớt phù phiếm cho tôi nhờ, học cái trường gì có tên dễ nhớ nhá, không là tôi chịu không đọc được đâu!"
Con ôn thi vào Harvard, vòng 1 ngay sau Tết âm lịch. Cả Tết mẹ ở nhà chăm cho con học, nấu cho con ăn. Kết thúc vòng thi đầu tiên, ra khỏi phòng bật điện thoại, bao nhiêu là cuộc gọi nhỡ của mẹ.
Có giải thích mẹ cũng không thể hiểu đề khó dễ thế nào, thôi thì cứ nói tạm ổn cho mẹ yên tâm.
Vòng 2, rồi vòng cuối cùng, chỉ còn 3 người lấy 1. Ngày nào mẹ cũng thắp hương lau dọn bàn thờ, xong rồi lại ngồi than thở “Con ơi là con sao mày chọn cái học bổng lấy 1 cho mẹ đau tim thế này con ơi là con!”
Thời gian hơn 1 tháng chờ đợi kết quả thực là áp lực với cả 2 mẹ con mình. Cuối cùng, con cũng nhận được thông báo trúng tuyển.
Mẹ sung sướng, mãn nguyện suốt mấy ngày sau. Còn đúng cái hôm đó, bố nhận xét: “Mẹ mày hoàn toàn mất kiểm soát năng lực hành vi rồi, đi ra đi vào, đi lên đi xuống, lúc khóc lúc cười!".
Mẹ yêu,
Hạnh phúc nhất của người phụ nữ là được làm mẹ, được có con, để những đứa con nối dài thêm những ước mơ của đời mình.
Mẹ không mơ đặt chân tới Harvard, nhưng mẹ mơ con gái mẹ làm được việc đó. Và nay, con đã nối dài ước mơ của mẹ.
Con làm việc này vì mẹ đó. Mẹ xem “Chuyện tình Harvard”, đọc “Em phải đến Harvard học kinh tế” nên đã thuộc tên trường này lắm rồi, đúng không mẹ!
Mẹ yêu,
Con ở xa, hôm nay không hoa không quà, chỉ có những lời tâm tình này, gửi đến mẹ như một món quà tinh thần quý giá nhất.
Mẹ, con yêu mẹ.
>>Xem thêm: Còn sống ngày nào thì hãy hạnh phúc ngày đó
Bùi Kim Thùy
Chia sẻ những bài viết của bạn về gia đình tại đây.