> 6 lý do khiến người Việt còn nghèo
Tôi thuộc thế hệ 8x đời đầu, xuất thân gia đình nông dân nghèo khó ở một tỉnh vùng cao. Tôi đạp xe 8km để đến trường cấp 2 ở thị xã. Ở trong lớp tôi là một trong những học sinh luôn luôn đóng học phí trễ nhất. Tôi không xin tiền cha mẹ sớm mà đợi đến những ngày cuối cùng mới xin tiền đóng.
Đơn giản bởi vì tôi biết rằng nếu tôi đóng sớm thì cha mẹ tôi phải gánh thêm một ít tiền lời số tiền vay đó và đến mùa thu hoạch mới trả được. Và mỗi khi tôi xin tiền học, cha mẹ tôi luôn luôn vui vẻ bảo tôi ngày mai lấy. Khi đó tôi thấy trong mắt mẹ có chút bối rối và tôi biết mẹ không có sẵn tiền đưa cho tôi…
Trong khi bạn bè ăn quà bánh, mua sắm những món đồ chơi ưa thích, thì tôi chỉ tham gia những trò chơi không tốn kém như đá banh ở những khu đất trống, đi chơi rong với đám bạn gần nhà, hay băng qua những con suối đi hái trái rừng, bắt chim bắt bướm....
Nói như vậy để các bạn có thể hình dung được gia cảnh của tôi, tuy không xếp vào diện phải đói ăn, nhưng về cơ bản là hộ rất nghèo vào thời điểm đó. Thế nhưng có một điều là gia đình tôi không bao giờ cảm thấy không hạnh phúc.
Cho dù tiền bạc có thiếu, cha mẹ có vay mượn để mua gạo nấu cơm cho con cái ăn, thì chúng tôi chưa bao giờ nghe cha mẹ phàn nàn gì trước mặt chúng tôi. Cha mẹ chưa từng cãi nhau về vấn đề tiền bạc mà luôn động viên mỗi đứa phải cố gắng học. Học được đến đâu cha mẹ lo cho tới đó khi nào không học được nữa thì thôi không phải lo lắng gì cả.
Ngược lại chúng tôi đều hiểu rõ những khó khăn về kinh tế của gia đình nên không bao giờ xin tiền không nhằm mục đích cho việc học hành. Kết quả học tập luôn luôn là niềm hãnh diện của cha mẹ. Trong công việc nhà chúng tôi luôn tự giác làm những gì có thể để đỡ đần cha mẹ.
Mấy anh em chia nhau một que kem lạnh giữa trưa hè mà gia đình đầy ắp tiếng cười. Tôi cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc khi có một gia đình như vậy. Rõ ràng về tiền bạc gia đình tôi không có nhưng vẫn rất hạnh phúc.
Đến bây giờ sau nhiều năm trôi qua tôi mới hiểu vì sao gia đình tôi hạnh phúc dù nghèo. Đó là do tất cả mọi thành viên đều biết hài lòng với hoàn cảnh hiện tại, phấn đấu vươn lên và biết nghĩ cho những người thân yêu của mình trong mỗi hành động. Mỗi suy nghĩ, cha mẹ tôi đã xây dựng một môi trường mà trong đó mỗi người trong gia đình sẵn sàng hy sinh vì người khác.
Tuy nhiên sâu trong suy nghĩ của mình tôi nuôi khát vọng làm giàu. Khi đó tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là để những người thân yêu của mình có cuộc sống tốt hơn.
Sau này gia đình tôi về kinh tế cũng bớt khó khăn. Giàu thì chưa nhưng không đến mức phải giật gấu vá vai như ngày trước nữa, thể hiện rõ nhất là cải thiện về bữa ăn hằng ngày.
Khi đi học cấp 3, đại học, tôi đi làm thêm để trang trải việc học. Cha mẹ gửi đều đặn một số tiền nhỏ hàng tháng để tôi chi tiêu thêm. Khi nhận được học bổng hoặc đi làm thêm lãnh lương tôi lại gửi về chút ít tiền cho cha mẹ mừng, tất nhiên chỉ là niềm vui về tinh thần.
Trong suốt quá trình đó chưa bao giờ trong tôi giảm khát khao làm giàu. Thời gian trôi qua nhanh chóng, tôi cũng ra trường và đi làm cho một công ty nước ngoài theo diện tuyển thẳng ngay từ trong trường đại học. Mức lương so với đám bạn cùng tốt nghiệp là tương đối cao.
Tôi tích lũy và gửi tiền về trả những khoản nợ mà cha mẹ tôi chưa trả được. Tôi sửa nhà cửa và mua sắm thêm đồ đạc cho cha mẹ…Và cả gia đình tôi đều cảm nhận rằng dù cuộc sống vật chất có tăng lên như thế nào, thì niềm vui mỗi khi tôi làm được một điều gì tốt hơn cho gia đình vẫn xuất phát từ những mối quan tâm giữa những thành viên ruột thịt chứ không phải đến từ giá trị vật chất.
Lương tăng, vị trí được đề bạt cao nhưng tôi chưa bao giờ thôi khát vọng làm giàu. Rồi tôi cũng ra mở công ty riêng về mô hình cửa hàng tự chọn. Và tôi thất bại và nợ nần như bao bạn trẻ khởi nghiệp khác.
Trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng tôi luôn luôn biết rằng cho dù phải bán hết tất cả tài sản của gia đình ở quê rồi đi ở thuê làm mướn để trả nợ cho tôi, thì cha mẹ vẫn mỉm cười và động viên tôi cố gắng. Cha mẹ luôn đặt niềm tin vào những quyết định của tôi.
Thất bại thì sửa chữa và làm lại. Tôi tiếp tục đi làm thuê và gầy dựng lại một công ty sản xuất những mặt hàng nông sản của địa phương. Tôi không hề nản chí bởi luôn tin rằng mình sẽ làm được những gì mình mong muốn.
Còn mô hình cửa hàng tự chọn tôi quyết định từ bỏ sau khi lang thang khắp các chợ truyền thống và quan sát những gì đang diễn ra từ thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Cha mẹ, anh chị em đã vay mượn thêm vốn liếng để tôi có thể gầy dựng công việc kinh doanh mới. Cho đến thời điểm này có thể gọi là tạm ổn định.
Có tiền tích lũy tôi vay mượn thêm hùn vốn kinh doanh đất giá rẻ và xây nhà bán ở vùng ven với bạn bè. Tôi đã có thể để dành một miếng đất để xây cho gia đình nhỏ của mình một căn nhà, rồi tiếp tục mở rộng đầu tư với mức lợi nhuận tương đối tốt mà không bị ảnh hưởng như phân khúc căn hộ cao cấp.
So với bạn bè cùng trang lứa và so với xuất phát điểm của mình tôi nghĩ rằng mình đã đạt được những thành công nhất định.
Tôi có nguồn thu ổn định từ một công ty sản xuất để duy trì cuộc sống gia đình và có những khoản lợi nhuận bất thường để tái đầu tư. Tôi đã có thể chăm sóc cha mẹ về vật chất tương đối đầy đủ mà không phải suy nghĩ gì nhiều.
Thế nhưng, cuộc sống thường trêu ngươi con người. Đúng giai đoạn này thì cha tôi phát hiện bị ung thư gan... >> Xem tiếp
Phong Vũ
Chia sẻ những bài viết của bạn về chuyện giàu nghèo tại đây