Các chiến binh IS và đồng minh hiện chiếm hơn một phần ba lãnh thổ Iraq và nhiều khu vực tại Syria. Nhóm này kiếm lợi từ "tiền thuế" thu từ các chủ doanh nghiệp, cướp bóc, bắt cóc con tin phương Tây đòi tiền chuộc, và bán dầu cho thương nhân địa phương. Không chỉ vậy, IS còn sở hữu một công cụ kiếm tiền chưa nhận được nhiều sự chú ý, đó là lúa mì.
Salah Paulis, một nông dân trồng lúa mì ở ngoài Mosul, Paulis đã cùng gia đình chạy trốn khỏi bước tiến của IS vào đầu tháng trước. IS tràn vào các cánh đồng của gia đình khi nhóm đánh chiếm khu vực rộng lớn tại miền bắc Iraq. Hai tuần sau, Paulis, người theo đạo Kito, nhận được cú điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là chiến binh IS.
"Chúng tôi đang ở trong kho của ông. Sao ông không về đây và tiếp tục làm việc?", người đàn ông hỏi một cách trang trọng bằng tiếng Arab. "Hãy trở lại và chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho ông. Nhưng ông phải cải đạo và trả cho chúng tôi 500 USD".
Khi Paulis từ chối, người kia nêu ra hình phạt. "Chúng tôi sẽ tịch thu lúa mì của ông. Chúng tôi muốn cho ông biết là chúng tôi không ăn cắp, vì chúng tôi đã cho ông một sự lựa chọn", chiến binh nói.
Nhóm cực đoan hiện kiểm soát phần lớn nguồn cung cấp lúa mì của Iraq. Liên Hợp Quốc ước tính phần đất canh tác IS kiểm soát cung cấp 40% sản lượng lúa mì hàng năm của Iraq, một trong những mặt hàng thực phẩm quan trọng nhất của nước này, cùng với lúa mạch và gạo. Các chiến binh dường như không chỉ muốn chiếm đất mà còn muốn quản lý tài nguyên và cai trị trong nhà nước Hồi giáo tự xưng của họ.
IS sử dụng lúa mì để lấp đầy túi tiền của mình, đồng thời tước đi nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng của đối thủ, đặc biệt là các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số Kitô giáo và Yazidi, đồng thời giành lợi thế trước những người Hồi giáo Sunni khác, khi nhóm siết kiểm soát trên vùng chiếm đóng.
Khi các chiến binh tràn qua bắc Iraq vào tháng 6, họ nắm quyền kiểm soát các kho thóc. Cuộc tấn công xảy ra trùng với thời điểm thu hoạch lúa mì, lúa mạch và đặc biệt là thời điểm người dân bán lại sản phẩm thu hoạch cho chính phủ và thương nhân.
IS hiện kiểm soát tất cả 9 kho thóc trong tỉnh Nineveh, bắc qua sông Tigris và 7 kho tại các tỉnh khác. Trong ba tháng kể từ khi tràn vào Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh, chiến binh IS khiến hàng trăm nghìn người dân tộc và những người thuộc cộng đồng tôn giáo thiểu số phải rời đi, đồng thời tịch thu hàng trăm nghìn tấn lúa mì từ các cánh đồng bị bỏ lại.
Thủ đoạn kiếm tiền
Để thu lợi từ lúa mì, IS tịch thu thóc từ nông dân, xay xát và phân phối bột tại các chợ địa phương.
Hồi đầu tháng 8, Saeed Mustafa Hussein, một nông dân người Kurd quan sát qua ống nhòm cảnh các chiến binh vũ trang IS dùng xẻng xúc lúa mì của mình vào bốn xe tải, sau đó di chuyển về phía các làng Arab. Ông cho biết IS vận hành 4 nhà máy xay ở các khu vực họ kiểm soát và ông tin rằng nhóm đã xay xát lúa của ông để bán.
Ông có 54 tấn lúa mì trên cánh đồng tại làng Pungina, đông bắc Arbil. Tuy nhiên, ông chưa thể bán số lúa này cho chính phủ hoặc thương nhân vì giao tranh trong khu vực. Ngoài lúa mì, các chiến binh còn lấy đi 200 con gà và 36 con chim bồ câu đắt tiền của ông.
"Câu chuyện tồi tệ hơn là tôi không thể ngăn chặn điều này. Tôi không thể làm bất cứ điều gì. Họ còn lấy mất hai chiếc máy phát điện mà làng tôi mãi mới nhận được từ chính quyền người Kurd", Hussein cho biết.
Cách kiếm tiền khác của IS là trà trộn lúa mì nhóm này cướp được vào lúa mì của dân thường và bán lại cho chính quyền Iraq.
Tại Makhmur, IS hồi tháng 7 tấn công vào một kho thóc của chính quyền có sức chứa 250.000 tấn, tương đương khoảng 8 phần trăm sản lượng quốc nội hàng năm của Iraq vào năm 2013. Vài tuần trước đó, IS đã tìm ra cách bán số lúa mì nhóm này chiếm được vào kho.
Abdel Rizza Qadr Ahmed, trưởng kho thóc, tin rằng IS bắt nông dân địa phương trộn lúa mì từ các khu vực do IS kiểm soát vào sản lượng thu hoạch của mình. Những người nông dân sau đó bán số lúa mì tại Makhmur, như thể tất cả đều được trồng tại địa phương.
Vài tuần trước khi IS tấn công, kho này đã mua nhiều hơn gần 14.000 tấn so với năm 2013. Số lượng lúa mì tăng thêm có trị giá khoảng 9,5 triệu USD, khi ước lượng bằng mức giá giả định mà Baghdad thường trả cho nông dân.
Ahmed cho biết nhiệm vụ của ông không phải là điều tra nguồn gốc sản phẩm mà chỉ là thực hiện giao dịch. "Chúng tôi chỉ mua lúa mì từ nông dân và chúng tôi không hỏi họ lấy chúng ở đâu", ông nói.
Huner Baba, người quản lý nông nghiệp tại địa phương, cũng tin rằng các thương nhân và nông dân đã bán lúa mì được thu hoạch từ khu vực khác.
Tận dụng nhân lực
IS đã nhân rộng chiến lược phát triển nhóm ở Iraq và Syria bằng nhiều cách. Khi nhóm kiểm soát Raqqa, đông bắc Syria, chiến binh IS cho phép những nhân viên nhà nước của Syria tiếp tục làm việc tại các nhà máy của mình. Nhóm này thiết lập một bộ phận phụ trách chuỗi cung ứng, từ thu hoạch đến phân phối bột mì.
IS cũng áp dụng chính sách tương tự tại Iraq. Chiến binh IS tránh phá hủy các cơ sở của chính phủ mà chúng chiếm đóng. Khi IS chiếm được đập lớn nhất của Iraq, nhóm vẫn để các công nhân tiếp tục làm việc tại đây, và thậm chí còn đưa các kỹ sư từ Mosul đến để sửa chữa.
Trong khi đó, Baghdad cũng đã cố gắng hạn chế biến động đến mức tối thiểu.
Theo Hassan Ibrahim, người đứng đầu Hội đồng ngũ cốc, cơ quan thuộc Bộ Thương mại Iraq, chịu trách nhiệm thu mua lúa mì từ nông dân địa phương, các cán bộ nhà nước trong khu vực IS kiểm soát vẫn thường xuyên liên lạc với trụ sở chính. Một số người thậm chí còn đến Baghdad khoảng mấy tuần một lần.
Theo ông Ibrahim, các chiến binh IS đã biến mất khỏi một số khu vực tại Mosul và Kirkuk vì các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu. "Tình hình vẫn ổn định", ông nói, và cho biết các chiến binh IS khá vui lòng khi để các nhân viên nhà nước tiếp tục vận hành kho thóc.
"Tôi chỉ thị người dân cố gắng giữ hòa nhã với các chiến binh bởi vì họ là những kể rất bạo lực. Không nên gây hấn với những kẻ bạo lực vì họ có thể sẽ giết bạn. Mục đích của chúng tôi là giữ được lúa mì".
Mua chuộc lòng người
Ở một số nơi, sự kiểm soát lúa mì của IS dường như lại giành được sự ủng hộ từ người Sunni.
Ahsan Moheree, Chủ tịch Hội Nông dân Arab, một cơ quan chính phủ tại Hawija, cho biết IS giành được sự ủng hộ kể từ khi các chiến binh chiếm đóng nơi này. Ông cho biết thái độ tiêu cực của Baghdad đối với người Arab Sunni tại nước này khiến người dân quay sang ủng hộ IS. Một trong những nguyên nhân là IS cung cấp thực phẩm cho họ với mức giá thấp.
"Họ phân phối bột cho người Arab trong khu vực. Họ lấy lúa mì từ kho ở Hawija. Họ vận hành nhà máy xay và phân phát cho mọi người một cách rất có tổ chức", ông nói.
Ngay cả những người chạy trốn IS cũng nhìn nhận lúa mì là một trong những điều làm nên sức mạnh của nhóm.
"Ngày nay, một kg lúa mì có giá từ 3,45 - 4,30 USD. Trước đây, giá của nó lên đến từ 8,6 - 9,5 USD", Joumana Zewar, 54 tuổi, một nông dân tại trại Baharka, ngoài Arbil, cho biết. IS và người Arab Sunni bán lúa mì với giá rất thấp. "Nó rẻ vì đó là đồ họ đánh cắp", ông nói thêm.
Zewar gọi cho một người bạn ở Mosul để kiểm tra tình hình giá cả mới nhất tại đó.
"Giá thực phẩm và bánh mì rất thấp", người bạn nói. Giống như tại Syria, IS tự cho mình quyền định giá tại nơi chúng chiếm đóng. "Hiện giờ họ là chính phủ ở đây. Họ sẽ đến tiệm bánh và yêu cầu cửa hàng bán với mức giá do họ ấn định.
"Lúa mì là một mặt hàng chiến lược. Họ đang tận dụng nó một cách triệt để", Ali Bind Dian, người đứng đầu hiệp hội nông dân tại Makhmur, một thị trấn gần nơi kiểm soát của IS ở giữa Arbil và Mosul, cho biết.
"Chắc chắn họ muốn thể hiện và giả vờ họ là một chính phủ".
Phương Vũ (Theo Reuters)